KHEN TINH TẾ

Chào mọi người, lại là mình Thanh Huyền đây! Một bạn nhỏ đang trải đời và lắm lời tâm sự. Dạo này các bạn thế nào? Có điều gì thú vị, mới mẻ muốn chia sẻ với mình không? Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ một số cách khen người khác mà mình đã áp dụng trong giao tiếp. Hy vọng mọi người sẽ đọc và góp ý cho mình nhé! Đây là phần 4 trong chuỗi bài viết về phát triển kỹ năng giao tiếp, đừng bỏ lỡ nhé!

Nội dung 3 phần trước mọi người xem ở đây nhé!

Bắt đầu thôi!

Mình nghĩ ai cũng thích được khen, vì lời khen không chỉ là sự ghi nhận thành quả mà còn có sức mạnh làm cho tâm trạng ta trở nên thoải mái và vui vẻ hơn. Nhưng khen thế nào cho phù hợp, để không bị coi là “khen cho có”, hay tạo cảm giác sáo rỗng?

Theo mình, cách khen sẽ phụ thuộc vào từng đối tượng, và nếu biết cách khen đúng, chúng ta sẽ tạo được thiện cảm với đối phương.

Với những người có trình độ văn hóa không cao, lời khen cần phải ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu. Không cần phải dài dòng hay dùng từ ngữ phức tạp. Chẳng hạn, nếu chúng ta muốn khen một người làm việc chăm chỉ và hoàn thành tốt công việc, chúng ta có thể nói: “Công việc hôm nay làm rất tốt, tiếp tục cố gắng phát huy nha.” Đây là lời khen trực tiếp, dễ hiểu và thể hiện sự trân trọng công sức của họ.

Còn với những người có trình độ cao, cách khen cần phải tinh tế hơn, trọng tâm vào những thành tựu và phẩm chất thật sự. Khi khen một người đồng nghiệp có chuyên môn vững vàng, chúng ta có thể nói: “Em thực sự đánh giá cao cách anh giải quyết vấn đề hôm nay. Lý luận, phân tích đều rất sắc bén, giúp nhóm mình nhìn nhận vấn đề từ một góc độ mới và sáng tạo.” Câu khen này không chỉ đánh giá đúng năng lực của họ mà còn cho thấy chúng ta tôn trọng trí tuệ và sự chuyên nghiệp của họ.

Điều quan trọng nhất là khen phải thật lòng, không phải khen xuông. Khi chúng ta khen chân thành và đúng cách, người nghe sẽ cảm thấy được tôn trọng và động viên để tiếp tục phấn đấu, thay vì cảm thấy bị “lừa” bởi những lời khen sáo rỗng.

Khi khen ai đó, mình luôn nghĩ rằng lời khen nên cụ thể, chi tiết và chân thành, tránh kiểu khen chung chung hay sáo rỗng. Vì nếu chỉ nói qua loa lại không thể hiện được sự quan tâm thật sự đến đối phương. Thay vào đó, mình sẽ cố gắng khen một cách tinh tế và chi tiết hơn.

Ví dụ, khi đi hẹn hò, thay vì chỉ nói đơn giản “Anh đẹp trai quá!”, mình sẽ nói: “Anh mặc áo này nhìn nhã nhặn lắm, lại phối với chiếc đồng hồ này nữa, cùng kiểu tóc nữa, em thấy anh trông rất trưởng thành và đẹp trai.” Câu khen này cụ thể và thể hiện rõ sự quan sát của mình, khiến anh ấy cảm thấy vui và biết rằng mình thực sự để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt trong ngoại hình của anh.

Còn khi anh ấy nấu ăn cho mình, mình cũng tránh nói những câu khen chung chung như: “Đồ ăn ngon lắm!”. Mình sẽ nói rõ ràng hơn, ví dụ: “Thịt hầm đúng lúc, ăn mềm và ngọt, em thích lắm. Khi anh cho hành vào gần chín, hành tươi và món ăn cũng ngon hơn. Cảm ơn anh bé đã nấu cho em ăn nha.” Câu khen này không chỉ là lời khen về món ăn mà còn là sự trân trọng với công sức và kỹ năng của anh trong việc nấu nướng.

Cách khen này không chỉ khiến đối phương cảm thấy vui, mà còn giúp họ cảm nhận được sự chân thành và sự quan tâm thật sự của bạn. Khi bạn khen cụ thể, bạn không chỉ khen mà còn làm cho người nghe cảm thấy tự hào về bản thân mình.

Phát hiện ưu điểm của đối phương và đừng bỏ lỡ dịp dành cho họ lời khen

Đồng nghiệp của mình thật sự rất giỏi trong việc sử dụng các phần mềm PR. Mỗi khi mình nhờ em ấy chỉ dẫn, mình luôn cố gắng khen một cách tinh tế và chân thành, ví dụ như: “Em biết cái này hả? Giỏi quá! Chị mò mãi mà không ra, cảm ơn em nhiều nha!” Câu khen này không chỉ thể hiện sự tôn trọng mà còn làm cho em ấy cảm thấy vui và tự hào về kỹ năng của mình.

Còn khi anh người yêu hướng dẫn mình làm bài tập, mình cũng không quên thể hiện sự biết ơn và khen ngợi anh ấy. Mình sẽ nói: “May mà có anh giúp em, không thì em không biết phải làm sao nữa. Người yêu giỏi thế này chỉ sợ cô khác cướp mất thôi, em phải giữ thật chặt mới được.” Vừa nói vậy, mình còn giả vờ trêu trọc anh, rồi ôm anh thật chặt. Những câu khen này không chỉ thể hiện sự ngưỡng mộ mà còn tạo không khí vui vẻ, thân mật giữa hai người.

Khen với người thứ 3

Hãy thử tặng lời khen một cách âm thầm, nhẹ nhàng nhưng đầy tinh tế, như thể bạn đang thừa nhận những ưu điểm của người đó mà không cần phải nói ra trực tiếp. Mọi người đều muốn được công nhận, được tôn trọng và hiển nhiên không ai thích bị phê bình hay chỉ trích đâu.

Ví dụ, mình thường xuyên “khoe” anh người yêu với bạn bè, nhưng không phải kiểu “khoe” một cách vô tội vạ đâu nha, mà là khéo léo lồng ghép những lời khen một cách tự nhiên. Khi gặp phải vấn đề khó khăn nào đó, mình sẽ hỏi anh người yêu cách giải quyết, rồi sau đó đem lời anh ấy nói kể lại với đồng nghiệp. “Hay là chị thử cách này đi, bồ em nói là làm như vậy cũng được á.” Lúc này, mình không hẳn là đang khen thẳng, nhưng những người nghe đều cảm nhận được sự khéo léo, thông minh của anh ấy. Dần dần, ai cũng tò mò muốn gặp anh, trò chuyện với anh. Nhờ những câu nói nhỏ nhẹ ấy, mọi người cũng phần nào cảm nhận được rằng anh ấy là một người hiểu biết, có nguyên tắc và đáng để học hỏi.

Tất nhiên, đôi khi cũng có những lúc mình bị “chê”, nhưng một cách rất tế nhị. Có lần mình nấu cháo, vô tình cho hơi nhiều muối, anh người yêu nói: “Cháo hơi mặn một chút, nhưng cũng không sao, nước cháo ngọt nên ăn cũng được. Lần sau em nhớ cho bớt muối một chút nha.” Trời ơi, tinh tế xỉu! Thực ra, anh ấy đang “chê” cháo mặn, nhưng mình chẳng thấy buồn chút nào. Thật sự, đôi khi, một lời phê bình nhẹ nhàng như vậy còn làm mình cảm thấy dễ chịu hơn là những lời khen “quá đà”.

Thêm gia vị hài hước cho giao tiếp sự hài hước kéo mọi người đến gần nhau

Công ty mình mấy ngày nay đang chuẩn bị và làm TVC giới thiệu công ty, mình có phụ anh đồng nghiệp làm video, khi chuyển file cho ảnh, ảnh sửa lại một số chỗ, rồi trêu bảo: ” Anh đang sửa phần của em nè, đến giờ thì em sướng rồi, em được về rồi.”  Mình cười rồi nói: “Anh phải thông cảm cho em chứ, em cũng lười chứ bộ.” Ổng cười trong bất lực luôn. 

Cái nết mình thì hay ghẹo anh người yêu. Mình hay trêu ảnh: “Mệt quá, mệt như này mà có hai anh bên cạnh thì…” ảnh nhìn mình đầy hoài nghi: “Á à lại còn thích có hai anh cơ à.” Mình mới nói tiếp: “Có hai anh bên cạnh cũng không khiến em hết mệt, chỉ có anh mới giúp em lấy lại năng lượng thôi.” Ảnh cười quá cười: “Cái mỏ em gì cũng nói được.”

Sự hài hước là phương thuốc hóa giải sự thù ghét, hóa giải sự bực tức, giúp mọi người trở nên thân thiết hơn. 

Một số lưu ý

Khi bị người khác công kích hay khiêu khích, đôi khi chúng ta có thể lựa chọn “tấn công” lại vào điểm yếu của đối phương. Vì nếu nhượng bộ và không phản kháng, họ sẽ nghĩ rằng chúng ta dễ bắt nạt và có thể sẽ lấn tới. Một cách khác để đối phó chính là sử dụng ngôn ngữ hài hước. Sự hài hước có thể giúp vô hiệu hóa mọi đòn tấn công và làm dịu không khí căng thẳng.

Tuy nhiên, sự hài hước cần phải có chừng mực và cân nhắc hoàn cảnh. Nếu đối phương là người xa lạ, người chúng ta không thân thiết hoặc bề trên, thì lời nói của mình cần phải thận trọng. Chỉ một lời nói không đúng chỗ cũng có thể bị coi là bất lịch sự hoặc thiếu tôn trọng. Và tuyệt đối, đừng bao giờ mang sức khỏe của người khác ra làm trò đùa, hay bàn luận về chuyện cá nhân của họ. Những vấn đề này có thể làm tổn thương người khác và tạo ra sự khó chịu không đáng có.

Gần đây, có một câu chuyện khiến mình khá suy nghĩ: Một tin nhắn của “Babyboo” gì đó đã bị lộ ra, trong đó cô ấy dùng một nick ảo để mắng chửi người yêu cũ của người yêu. Và rồi, mình đọc các bình luận của mọi người, ai cũng nói: “Có đứa con gái nào mà không nói xấu người yêu cũ của người yêu?” Mình tự hỏi, ủa thật sự là ai cũng vậy luôn á hả? Thực ra, mình cũng thỉnh thoảng hỏi về chuyện tình cũ của người yêu, nhưng không phải để phán xét hay làm tổn thương ai, mà chỉ với tâm thế tò mò và muốn hiểu rõ hơn về những chuyện mà anh ấy đã trải qua, để chúng mình không lặp lại những sai lầm đó. Nhưng mình chưa bao giờ, dù chỉ một lần, nói xấu người yêu cũ của anh ấy. Vì đơn giản, chuyện của họ không liên quan đến mình, và mình không có lý do gì để bàn luận hay đùa cợt về nó.

Và quan trọng nhất là, đừng có tưởng bản thân xấu tính rồi cũng nghĩ ai cũng như vậy. Đôi khi, chúng ta cần phải học cách tôn trọng sự khác biệt và tránh phán xét người khác một cách vội vàng.

Còn một điều nữa, chuyện cười đôi khi lại là con dao hai lưỡi. Không nên kể những câu chuyện dung tục hay nhạy cảm ở những nơi đông người, vì không phải ai cũng có cùng gu hài hước như mình. Câu chuyện cười dù nhỏ nhưng có thể làm mất đi sự tôn trọng của người khác.

Và nói đến hài hước, mình lại có một vấn đề riêng: Mỗi khi kể chuyện cười, chưa đến khúc cười mình đã bật cười mất rồi! Thế là câu chuyện chẳng còn ai thấy buồn cười nữa. Mọi người có cách nào giúp mình “nhịn cười” khi kể chuyện không? Huhu.

Đó là những chia sẻ của mình về cách khen và cách xử lý tình huống trong giao tiếp. Mình biết chắc chắn vẫn có nhiều điều chưa hoàn hảo, vì vậy mong mọi người góp ý thêm để mình có thể cải thiện. Cảm ơn mọi người rất nhiều vì đã dành thời gian đọc bài viết của mình!

Chúc mọi người nhiều điều tốt lành nha!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *