GẬY ÔNG ĐẬP LƯNG ÔNG – BÍ QUYẾT GIAO TIẾP

Chào mừng mọi người đã đến với phần 3 của chuỗi bài viết phát triển kỹ năng giao tiếp cùng Thanh Huyền. Ở hai bài viết trước mình đã chia sẻ cho mọi người về hành trình thay đổi bản thân và mẹo mình đã áp dụng để trở thành phiên bản như ngày hôm nay. Mình của hiện tại, không hoàn hảo, nhưng hài lòng với chính mình.

Mọi người có thể đọc phần 1 và 2 tại đây nhé:

Tự ti thành tự tin

Tâm sự với người lạ, giải quyết mâu thuẫn và lắng nghe

Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ cho mọi người một số cách mà mình đã áp dụng để khiến bản thân thoát khỏi những tình huống khó xử nha.

Bắt đầu thôi nào!

Nhận thức thay đổi

Khi mình nói chuyện chắc chắn sẽ không thoát khỏi những trường hợp lỡ miệng, cái miệng hại cái thân. Hồi mình còn nhỏ, vô tình xưng hô sai và bị mẹ trách phạt, nhưng mình lúc đó rất lì lợm, nhất quyết không xin lỗi, mình luôn cảm thấy rằng, mẹ không thấu hiểu cho mình, mẹ chỉ quan tâm mẹ thôi. Nhưng khi lớn lên, khi tiếp xúc với nhiều người hơn và trải nghiệm những mối quan hệ khác nhau, mình mới nhận ra rằng, cái sự hiểu lầm không phải là từ mẹ mà chính từ mình. Mẹ không phải không hiểu mình, mà là mình chưa bao giờ thực sự cố gắng để truyền đạt những suy nghĩ và cảm xúc của mình cho mẹ. Mình chỉ là một đứa trẻ chưa biết cách bày tỏ, để rồi mẹ chỉ nhìn thấy một đứa con bướng bỉnh, hay làm trái ý và không dễ dạy bảo. Lúc đó, mình mới nhận ra rằng, nếu mình có thể chia sẻ một cách rõ ràng hơn, nếu mình có thể mở lòng và lắng nghe mẹ nhiều hơn, có thể mọi thứ đã khác. Thật ra, mọi sự hiểu lầm đều có thể hóa giải nếu chúng ta biết cách giao tiếp và thấu hiểu nhau.

Vậy mình đã thay đổi như thế nào?

Mình sẽ chia sẻ những cách mình áp dụng kèm ví dụ thực tế, chính mình đã trải nghiệm thật để cho mọi người dễ hình dung nhé.

Chuyển chủ đề

Tinh tế chuyển chủ đề để phát ra tín hiệu cho đối phương rằng, mình không muốn trả lời câu hỏi đó, hoặc không tiện nói lúc này.

Mình thật sự không thích bị hỏi về lương, dù là từ ai, ngay cả mẹ mình. Dù biết mẹ chỉ quan tâm và muốn xem mình có sống ổn không, nhưng mỗi lần mẹ hỏi, mình vẫn cảm thấy không thoải mái chút nào. Cảm giác như có một điều gì đó riêng tư mà mình không muốn chia sẻ, và lương lại là một chủ đề quá nhạy cảm. Mỗi lần mẹ hỏi, mình thường khéo léo chuyển chủ đề, hỏi về công việc của mẹ, hay những chuyện linh tinh khác để tránh nói đến con số ấy. Thực ra, mẹ cũng hiểu được phần nào sự không thoải mái của mình, nên dần dần, mẹ cũng ngừng nhắc đến lương nữa.

Tuy không phải là một cuộc trò chuyện dài dòng hay giải thích chi tiết, nhưng mình nhận ra, đôi khi chỉ cần sự thấu hiểu lặng lẽ như vậy đã đủ, không cần phải nói thành lời.

Cách sửa sai

Nếu lỡ lời nói sai thì lấy chính cái sai đó để sửa sai, thảo luận về cái sai và tìm ra điều đúng đắn. Trước đây, mình luôn cho rằng điều mình nói là đúng, đơn giản vì mình tin vào bản thân quá mức. Cái cảm giác “rất gia trưởng” ấy khiến mình không dễ dàng tiếp nhận ý kiến hay góp ý từ người khác. Nhưng dần dần, mình nhận ra rằng sự cứng đầu chỉ khiến mình khép mình lại và mất đi cơ hội học hỏi. Giờ đây, nếu biết mình sai, mình không ngại thừa nhận và sẵn sàng mở lòng lắng nghe ý kiến của người khác. Mình sẽ thẳng thắn hỏi họ, “Mình cần làm gì để cải thiện?” Sự thay đổi này đã mang lại kết quả tích cực. Mọi người giờ đây cũng dễ dàng chia sẻ và mở lòng với mình hơn.

Một ví dụ nhỏ là khi mình phụ trách nội dung cho một trang fanpage. Một người bạn đã góp ý rằng nội dung của mình đang hướng đến đối tượng là giới trẻ, nhưng lại chưa phù hợp lắm với đối tượng doanh nghiệp. Mình đã rất trân trọng ý kiến đó và ghi nhận ngay lập tức. Bạn ấy không chỉ chỉ ra được điểm yếu mà còn gửi cho mình một số fanpage khác để mình tham khảo và học hỏi. Hiện tại, mình đang tích cực cải thiện và thay đổi nội dung, với hy vọng có thể làm nó phù hợp hơn và ngày càng hoàn thiện hơn.
Thực sự, việc biết lắng nghe và thay đổi đã giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều.

Bị khiếu khích thì sao?

Khi bị khiêu khích, phản ứng đầu tiên của nhiều người có thể là nổi giận, đáp trả lại bằng những lời chửi bới hay thậm chí là làm tổn thương đối phương. “Chửi lại nó, hạ bệ nó, nó nghĩ nó là ai mà dám lên mặt với mình?” – đó là kiểu suy nghĩ dễ gặp phải khi bị xúc phạm. Nhưng nếu mình làm vậy, thực tế là mình đã vô tình mắc bẫy của họ rồi. Mục đích của người khiêu khích là muốn làm mình mất bình tĩnh, muốn mình nổi giận, và nếu ta làm theo họ mong muốn, chẳng khác gì ta đã thua ngay từ lúc đó.

Cách tốt nhất để đáp trả lại sự khiêu khích là giữ bình tĩnh và dùng lời hay ý đẹp để đối diện với chúng. Đừng để họ đạt được mục đích của mình.

Mình nhớ có một lần, trong một cuộc họp, một đồng nghiệp liên tục đưa ra những lời chỉ trích không cần thiết, thậm chí là những câu đùa châm biếm mà rõ ràng là đang muốn làm mình mất mặt. Lúc đó, trong lòng mình chỉ muốn phản ứng lại ngay lập tức, nhưng mình đã kìm lại được. Thay vì nổi giận hay nói lại, mình chỉ mỉm cười và trả lời một cách điềm tĩnh: “Cảm ơn ý kiến của anh, em sẽ xem xét và điều chỉnh lại công việc cho phù hợp.” Câu trả lời nhẹ nhàng nhưng không thiếu sự khéo léo ấy khiến đối phương chẳng thể lấy cớ gì để tiếp tục khiêu khích.

Sau lần đó, mình nhận ra rằng việc không để cho người khác dễ dàng “kéo” mình vào trò chơi của họ chính là cách thể hiện sự tự tin và mạnh mẽ thật sự. Những người khiêu khích không đáng để mình phải tốn thời gian và năng lượng phản ứng lại. Họ chỉ muốn tạo ra mâu thuẫn, nhưng nếu mình kiên nhẫn và bình tĩnh, mọi chuyện sẽ qua nhanh thôi, và mình cũng sẽ là người trưởng thành hơn từ những thử thách như vậy.

Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải làm rõ đối phương đang phê bình theo cách nào?

Khi họ thắc mắc hay có ý kiến trái chiều một cách thiện chí, mình luôn nghiêm túc lắng nghe và xem xét lại quan điểm của mình. Mình không chỉ giải đáp rõ ràng câu hỏi của họ mà còn cố gắng giải thích chi tiết những lý do đằng sau suy nghĩ của mình.

Cũng giống như khi mình nhận được góp ý từ đồng nghiệp về nội dung fanpage. Họ khuyên mình bổ sung thêm các bài viết chia sẻ kiến thức, thủ thuật để tạo thêm giá trị cho người đọc. Với tinh thần cầu thị, mình đã ghi nhận ý kiến đó và bắt tay vào việc lên kế hoạch sắp xếp các bài viết phù hợp. Vì thực tế, mình thấy lời góp ý của họ hoàn toàn hợp lý và có thể giúp fanpage phát triển tốt hơn.

Điều quan trọng là chúng ta cần phải tỉnh táo, không để rơi vào tình trạng “Gọi dạ, bảo vâng” mà không suy nghĩ kỹ. Góp ý xây dựng là tốt, nhưng phải luôn giữ được bản sắc và định hướng của mình trong quá trình tiếp thu.

Ác ý cố tình làm khó, nhằm mục đích riêng

Khi đối mặt với những người có ý định cố tình làm khó hoặc có mục đích cá nhân trong việc gây sự, mình nghĩ cách tốt nhất là sử dụng ngôn ngữ khéo léo, tinh tế, nhưng đồng thời vẫn phải giữ vững lập trường và kiên quyết. Điều này giúp mình không chỉ bảo vệ quan điểm mà còn giữ được sự tôn trọng, tránh để người khác dễ dàng “lấn lướt” mình.

Mình nhớ có một lần, đồng nghiệp cũ của mình thiết kế một hình bìa cho fanpage. Thực sự, khi nhìn vào, mình thấy nó không ổn chút nào: tone màu lệch hẳn với thương hiệu, logo xoay ngang rất mất thẩm mỹ, và bố cục thì hoàn toàn thiếu hài hòa. Dù mình khá dễ tính, nhưng không phải loại người để ai muốn nói gì thì nói. Khi quyết định thay người thiết kế, ổng lại cố tình bắt bẻ, nói mình không hiểu về phong cách thiết kế, không có tính sáng tạo. Mình bình tĩnh đáp lại: “Anh ơi, màu thương hiệu của mình là cam vàng, anh không thể dùng cái màu xanh lam chói lóa như vậy được. Logo anh xoay ngang cũng sai rồi, sáng tạo thì được, nhưng những quy chuẩn cơ bản như vậy anh phải giữ chứ, tất cả đã ghi rõ trong brief mà.”

Ổng vẫn tiếp nói mình không hiểu góc nhìn của designer, mình nói lại: “Em không phải dân chuyên designer mà còn nhìn ra nó xấu nè anh, còn dân chuyên thì họ nhìn ra cái gì chứ.” Sau một lúc, quản lý cũng nói làm hình khác, thì ổng lại nói: “Mình thiết kế làm hài lòng bà quản lý là được.” Mình cũng đâu có nhịn, mình bảo: “Anh thiết kế thì anh phải hài lòng trước rồi anh mới đưa cho người khác chứ.” Lúc này ổng mới im lặng không nói nữa. 

Qua câu chuyện này, mình nhận ra rằng, dù có đối diện với những tình huống khó xử hay người có thái độ ác ý, điều quan trọng là chúng ta phải luôn rõ ràng và kiên quyết trong việc trình bày quan điểm của mình. Nếu không, mọi người xung quanh có thể hiểu lầm, gây khó dễ cho bản thân mình sau này.

Sự thẳng thắn nhưng cũng đầy khéo léo sẽ giúp mình không bao giờ bị “dắt mũi” trong những tình huống như vậy.

Gậy ông đập lưng ông

Đây là cách sử dụng mâu thuẫn từ chính những gì người đối diện đã nói để làm rõ điểm sai của họ. Để mọi người dễ hình dung, mình sẽ kể một câu chuyện cụ thể, có thể hơi dài một chút, nhưng nó sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về cách áp dụng chiến thuật này. Hãy kiên nhẫn một chút nhé!

Nơi mình ở sẽ có quản lý riêng, họ sẽ phụ trách vệ sinh, an toàn và sửa chữa nếu chỗ ở xảy ra vấn để. Có lần mình ngủ, lúc đó gần sáng, thấy bóng đèn chiếu trực tiếp lên giường, mình mới kéo rèm để kiểm tra, nhưng ánh đèn pin quá chói, khiến mình đã vội kéo rèm lại ngay. Sau đó mình có nhắn hỏi quản lý, tại sao mới sáng sớm lại tự ý vào phòng của tụi mình, ông ấy nói rằng: “Để kiểm tra máy lạnh”, mình mới nói: “Kiểm tra máy lạnh thì soi vào máy lạnh, chứ sao lại soi vào mặt em. ” Ổng không hề trả lời câu nói của mình, mà lại nói ổng cũng chỉ là quản lý phải báo cáo với cấp trên về tình trạng máy lạnh. Mình mới nói: “Ở đây một năm đổi rất nhiều quản lý chưa từng thấy tình trạng này, trừ khi có bạn nào mới chuyển qua, thì quản lý sẽ nói to để những người trong phòng khác biết quản lý đang chuyển đồ giúp bạn ấy vào phòng.” 

Nói qua nói lại một lúc, ổng vẫn không hề xin lỗi mình. Mình mới nhắn thẳng trực tiếp vào nhóm, trình bày vấn đề mình gặp phải, ngay trưa hôm đó, quản lý cấp cao hơn đã đến nói chuyện với mình, cùng với một bà quản lý khác. Bà ấy hỏi mình: “Có chắc là trước giờ chưa từng có quản lý nào vào sáng sớm chưa.” Mình mới nói là có thấy: “Nhưng là chuyển đồ giúp bạn khác, chứ không phải vào kiểm tra máy lạnh.” Ông quản lý cấp cao hơn ngồi bên cạnh cũng gật đầu, thể hiện là mình nói đúng, vì trước ổng cũng là quản lý ở đây.  Xong ông quản lý cấp cao mới nói: “Thực ra kiểm tra máy lạnh có thể kiểm tra bên ngoài, không nhất thiết phải vào phòng, mình là quản lý nam hạn chế vào kiểm tra phòng nữ.”

Xong bà quản lý lại hỏi: “Có chắc là soi đèn vào mặt em không, hay là soi người khác, em lại tưởng là em.” Mình hỏi lại: “Thế sao hôm qua em hỏi, anh ấy không chối.” “Ý chị là anh quản lý soi vào người khác chứ không phải là em hả.” Lúc này bả im liền, vì nếu bả nói phải, thì lại có thêm một người lên nói chuyện cùng mình. Bả im lặng rồi lên phòng mình kiểm tra. Vị trí giường của mình rất đặc biệt, mình chỉ cho bả xem, chỗ anh quản lý đứng, phải đứng ở đó mới có thể rọi vào mặt mình. Bả sau khi xem xét, thấy đuối lý, lại đi sang phòng khác, rồi về nói rằng, mọi người nói rằng quản lý rất tốt, không có vấn đề gì. Mình nói lại: “Em không quan tâm người ta có vấn đề hay không, em là người đang gặp vấn đề, và quản lý phải có trách nhiệm giải quyết chuyện này.” Sau một lúc chủ tòa nhà đã đến nói chuyện và xin lỗi mình. 

Bài học mà mình rút ra từ câu chuyện này là sự kiên định và rõ ràng trong việc bảo vệ quyền lợi của bản thân, đồng thời biết cách giao tiếp một cách thẳng thắn và có trách nhiệm. Khi gặp phải tình huống không công bằng hoặc không đúng mực, chúng ta không nên im lặng hay chấp nhận những lý giải mơ hồ, mà cần phải đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách yêu cầu sự giải thích hợp lý và xử lý nghiêm túc.

Mọi người cũng thấy là mình đã kiên quyết trình bày và yêu cầu sự giải quyết công bằng. Mặc dù ban đầu người quản lý không thừa nhận sai sót và còn cố tình né tránh câu hỏi, nhưng nhờ vào việc kiên trì nhắn tin và đưa vấn đề ra công khai trong nhóm, cuối cùng sự thật đã được làm rõ và người có trách nhiệm đã phải xin lỗi.

Sự tôn trọng đối với quyền riêng tư và sự chính đáng cũng là một điểm đáng chú ý. Quản lý không có quyền xâm phạm không gian riêng tư của người khác nếu không có lý do chính đáng. Chính vì thế, việc yêu cầu giải thích và làm rõ vấn đề là hoàn toàn hợp lý, và sự thật luôn luôn có giá trị hơn bất kỳ lời biện minh nào.

Khi đối phương cố tình công kích, thay vì vội vã phản ứng, chúng ta nên chủ động hỏi lại, khiến họ phải đối diện với câu hỏi của mình và tự mình giải thích. Đây không chỉ là cách để tạo ra thế chủ động, mà còn là cơ hội để nắm bắt tâm lý của họ, hiểu rõ động cơ và mục đích thực sự đằng sau những lời công kích đó. Thực tế, chúng ta có thể dùng chính sự tò mò và câu hỏi khéo léo để “đặt bẫy” họ, từ đó xoay chuyển tình thế có lợi cho mình. Điều quan trọng là, trong mọi tình huống, phải luôn nhớ rằng mình phải là người cầm cán, điều khiển cuộc trò chuyện, không để người khác chi phối hay làm mình mất kiểm soát.

Vượt qua chướng ngại bằng cách tự chê cười chính mình 

Thỉnh thoảng, mình cũng vô tình quên mất những thói quen của anh người yêu, và trong những lúc như thế, mình lại trêu anh: “Đấy, em chẳng làm được gì, chỉ biết mù quáng yêu anh thôi, anh bé phạt em đi ạ” Dù rõ ràng là mình sai, nhưng sau khi nói xong, anh lại lập tức dỗ dành mình ngay lập tức. Thật ra, mình cũng biết là mình đang “lươn lẹo” một chút, nhưng mà… ai mà không thích được anh chiều chứ? Hihi!

Những câu chuyện trên đây là những trải nghiệm thực tế mà mình đã trải qua, cùng với cách ứng xử của mình trong từng tình huống. Mặc dù không thiếu những thiếu sót và sai sót, nhưng quan trọng là mình đã dám lên tiếng, dám đứng lên bảo vệ quyền lợi và công bằng cho chính mình. Dù chưa hoàn hảo, nhưng mình tin rằng đây là một bước đi đúng đắn, phải không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *