TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM – NHỮNG ĐIỀU MÌNH TÂM ĐẮC

Xin chào mọi người, mình là Thanh Huyền, một bạn nhỏ “thích ý kiến” khi đọc sách. Trong bài viết này, mình sẽ cùng các bạn khám phá một chủ đề thú vị mà mình vừa có dịp tìm hiểu qua cuốn sách Tâm lý học tội phạm 1 của Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân. Cuốn sách này không chỉ mở ra một cái nhìn mới mẻ về hành vi của tội phạm mà còn giúp mình nhận thức rõ hơn về sự khác biệt trong cách suy nghĩ, hành động giữa người bình thường và tội phạm.

Liệu những yếu tố tâm lý nào đã tạo nên ranh giới giữa hai thế giới đó? Mọi người hãy cùng mình tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này nhé!

Ok, bắt đầu thôi!

Hầu hết các mặt của tính cách luôn có sự chuyển biến không ngừng 

Mình tin rằng rất nhiều người trong chúng ta, giống như bản thân mình, khi nhận ra mình đã làm sai điều gì đó, dù không nói ra hay không trực tiếp xin lỗi, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn vẫn luôn cảm thấy bứt rứt, day dứt. Cái cảm giác có lỗi đó, dù không thể hiện ra ngoài, nhưng lại làm chúng ta không thể yên lòng. Đặc biệt là khi nhận thức rằng hành động nhất thời của mình, dù là vô tình hay không, đã gây tổn thương cho người khác. Hối hận là một cảm giác không dễ chịu, nhưng nó cũng là một dấu hiệu của sự trưởng thành, giúp ta nhận ra được giá trị của lòng nhân ái và sự chân thành trong các mối quan hệ. Đôi khi, hối hận không phải là điều xấu, mà là bước đầu tiên để ta thay đổi và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. 

Mình nhớ có lần nói chuyện với bạn bè, mà vạ miệng: ‘Mày biết gì mà nói.” Lúc đó mình nhận ra bản thân nói sai rồi, thực sự câu đấy bản thân mình nghe còn thấy khó chịu chứ đừng nói người khác. Mà lúc đó mình sĩ lắm không muốn xin lỗi, cứ kiểu ngang ngang, nhưng trong thâm tâm thì trời ưi, sai rồi. Cứ thế gặm nhấm cảm giác dằn vặt thôi. Nhưng mình nhận ra, việc cố chấp như vậy chỉ khiến mình thêm phần lo lắng và bảo thủ chứ chả có lợi gì. Cũng từ nhiều lần như vậy, mình học được rằng mỗi khi nhận ra mình làm sai, dù là nhỏ hay lớn, thì việc chủ động xin lỗi và bù đắp không chỉ giúp mối quan hệ trở nên êm đẹp hơn mà còn giúp chính bản thân mình trưởng thành hơn rất nhiều. 

Hành động đó không chỉ làm giảm đi cảm giác tội lỗi mà còn khiến mình mạnh dạn hơn, có trách nhiệm với từng câu nói và hành động của mình. Bây giờ, mỗi lần sai, mình không còn ngần ngại nữa, mà sẵn sàng đối diện và sửa sai. Vì mình hiểu rằng sự chân thành và khả năng nhận lỗi chính là chìa khóa để xây dựng những mối quan hệ bền chặt và là bước đệm để trở thành một con người tốt hơn.

Ngược lại, tội phạm lại thường thể hiện một sự cương quyết đến mức cực đoan khi theo đuổi mục tiêu của mình. Họ không quan tâm đến hậu quả, không để ý đến những tác động xung quanh, mà chỉ chăm chăm vào việc đạt được thứ họ muốn bằng mọi giá. Đối với họ, người khác không phải là những cá nhân có cảm xúc và giá trị riêng, mà chỉ là những công cụ, những “con tốt” trong ván cờ mà họ đang chơi. Họ sử dụng mọi thủ đoạn, từ sự lừa dối, ép buộc đến việc khai thác những yếu điểm của người khác để đạt được mục đích, bất chấp sự tổn thương mà hành động của mình gây ra cho người khác.

Điều đáng chú ý là, nếu không thể đạt được mục tiêu, tội phạm không dễ dàng bỏ cuộc. Thay vào đó, họ sẽ nuôi dưỡng sự tức giận âm ỉ, một cơn giận không bao giờ nguôi, và điều này thường theo họ suốt cuộc đời. Cảm giác mất kiểm soát đối với những gì họ không thể chi phối khiến họ luôn sống trong sự bực bội, giận dữ và oán thù. Thậm chí, những cảm xúc tiêu cực này có thể trở thành động lực thúc đẩy hành động tiếp theo của họ, làm cho họ trở nên càng nguy hiểm và khó lường hơn. 

Một ví dụ cụ thể là vụ án của “Trùm” tội phạm kinh tế (mình không dám để tên thật), người từng là một trong những người có ảnh hưởng lớn trong ngành tài chính Việt Nam. Dù là một người có địa vị, danh tiếng và tiền tài, nhưng vì tham vọng cá nhân và muốn kiểm soát mọi thứ xung quanh, ông đã lún sâu vào các hành vi vi phạm pháp luật, từ thao túng cổ phiếu cho đến những hành vi lừa đảo, gây thiệt hại lớn cho nhiều người. Ông không ngần ngại sử dụng quyền lực và ảnh hưởng để thao túng các hoạt động tài chính, mặc kệ những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và xã hội.

Trong suốt quá trình điều tra, người ta thấy rằng khi bị đe dọa mất quyền lực hoặc không thể đạt được mục tiêu của mình, ông vẫn giữ thái độ cương quyết, thậm chí có thể sẵn sàng phá hủy tất cả những gì mình đã xây dựng. Thái độ này không phải là sự tiếc nuối, mà là một sự tức giận, oán hận khi không thể kiểm soát mọi thứ như trước đây. Những cảm xúc tiêu cực này không chỉ khiến ông tiếp tục phạm tội, mà còn gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho cả cộng đồng và những người xung quanh.

Hay các vụ án bạo lực, như các cuộc chiến giành địa bàn của các băng nhóm tội phạm. Một trong những hành vi điển hình là sự lạnh lùng và cứng rắn trong việc loại bỏ những đối thủ hay những người cản đường. Tội phạm không hề bận tâm đến những thiệt hại mà hành động của mình có thể gây ra cho xã hội hoặc những người vô tội. Họ sẵn sàng dùng bạo lực để “dằn mặt” đối thủ và thể hiện quyền lực, thậm chí không tiếc đổ máu để đạt được mục đích của mình. Những cảm xúc tiêu cực như thù hận, tức giận vì bị phản bội hay không thể kiểm soát được tình hình sẽ thúc đẩy họ hành động một cách cực đoan, không quan tâm đến hậu quả.

Những ví dụ này cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa người bình thường và tội phạm.

Người bình thường luôn tìm cách kiểm soát cảm xúc, duy trì sự hòa hợp với người khác, trong khi tội phạm lại sẵn sàng làm mọi thứ, kể cả vi phạm pháp luật, để đạt được mục tiêu cá nhân, dù có phải trả giá đắt.

Nguyên nhân dẫn đến tội phạm 

Đây là một vấn đề phức tạp mà chúng ta không thể chỉ nhìn nhận qua một lăng kính duy nhất. Rất nhiều người, khi suy nghĩ về tội phạm, thường cho rằng nghèo đói hay thiếu cơ hội là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội. Quan niệm này tuy phổ biến nhưng lại chưa phản ánh đầy đủ bản chất của tội phạm. Thực tế, hành vi phạm tội không chỉ là kết quả của hoàn cảnh sống khó khăn hay thiếu thốn vật chất mà còn là sản phẩm của tư duy và nhận thức.

Ngay cả trong những gia đình giàu có, những cá nhân trưởng thành trong môi trường đầy đủ về tài chính, giáo dục và cơ hội, cũng có thể trở thành tội phạm. 

Điều này cho thấy rằng tội phạm không chỉ là kết quả của điều kiện sống thiếu thốn, mà còn là sự lựa chọn, đôi khi đến từ những yếu tố tâm lý, văn hóa hay thậm chí là sự thiếu vắng những giá trị đạo đức trong quá trình hình thành nhân cách. 

Xuất thân từ một gia đình giàu có, học vấn cao, và có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp. Trước khi phạm tội, anh ta đã có một sự nghiệp thành công trong ngành công nghệ thông tin và phát triển phần mềm. Tuy nhiên, chính lòng tham và khát khao kiếm tiền nhanh chóng đã khiến N cùng đồng phạm xây dựng một hệ thống cờ bạc trực tuyến với quy mô lớn, bất chấp việc phá vỡ đạo đức và vi phạm pháp luật. Điều này cho thấy rằng, dù không thiếu cơ hội và điều kiện sống đầy đủ, nhưng vì thiếu sự kiểm soát về đạo đức, họ đã lựa chọn con đường phạm tội để đạt được mục tiêu cá nhân.

Tương tự, trong các vụ án tham nhũng, chúng ta cũng thấy những người phạm tội thường là những quan chức cấp cao, có nền tảng gia đình tốt, học thức cao và mọi điều kiện để sống một cuộc sống hợp pháp và công bằng. 

Dù có một vị trí rất cao trong xã hội, được đào tạo bài bản, nhưng lại tham nhũng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân. Nguyên nhân không phải do thiếu cơ hội hay nghèo đói, mà xuất phát từ tham vọng cá nhân, sự tham lam và thiếu trách nhiệm với xã hội.

Những ví dụ này chứng minh rằng tội phạm không phải lúc nào cũng là sản phẩm của hoàn cảnh nghèo khó hay thiếu cơ hội.

Chính những yếu tố tâm lý, như lòng tham, sự khát khao quyền lực và tiền bạc, cùng với sự thiếu hụt giá trị đạo đức, mới là những nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội.

Môi trường xấu không hẳn sẽ tạo nên những con người tồi tệ, nhưng tính cách xấu sẽ tạo nên những người như vậy.

Tội phạm có di truyền không?

Mình là một người rất yêu thích xem phim, và với mình, việc thưởng thức những bộ phim không chỉ đơn giản là để giải trí mà còn là một cách để mở rộng tầm hiểu biết về cuộc sống, học hỏi những bài học sâu sắc và nhìn nhận những giá trị nhân văn đầy ý nghĩa. Thông qua những câu chuyện, nhân vật trong phim, mình như được sống và trải nghiệm những cảm xúc, tình huống mà trong đời thực đôi khi khó có thể gặp phải.

Một trong những chủ đề thú vị mà mình thường gặp trong các bộ phim là nếu người cha là kẻ sát nhân hay có tiền án tội phạm, con cái của họ lại thường bị ám ảnh và có xu hướng đi theo con đường tội lỗi. Có rất nhiều bộ phim khai thác vấn đề này, với những câu chuyện về những đứa trẻ lớn lên trong bóng tối của tội lỗi, cảm giác mặc cảm và những ảnh hưởng từ cha mẹ đã khiến chúng dễ dàng sa ngã vào các hành vi sai trái.

Một ví dụ nổi tiếng là bộ phim “The Godfather” (Bố già), đặc biệt là mối quan hệ giữa Vito Corleone và con trai ông, Michael Corleone. Mặc dù Michael ban đầu là một người không muốn tham gia vào thế giới tội phạm của gia đình, nhưng cuối cùng anh lại bị cuốn vào vòng xoáy tội lỗi do ảnh hưởng từ người cha và môi trường gia đình. Dù Michael có những lựa chọn và lý tưởng riêng, nhưng sự di truyền về giá trị gia đình, cùng với áp lực từ người cha và xã hội xung quanh, đã khiến anh không thể thoát khỏi con đường mà gia đình đã vạch ra cho mình. 

Điều này phản ánh một trong những yếu tố quan trọng trong việc hình thành hành vi tội phạm, đó là môi trường gia đình và xã hội có thể ảnh hưởng rất lớn đến lựa chọn và số phận của một người, ngay cả khi họ không hoàn toàn “di truyền” tội lỗi từ cha mẹ.

Tuy nhiên, điều này có thực sự phản ánh bản chất của con người trong đời thực hay không? Liệu tội phạm có thật sự “di truyền” như vậy, hay đó chỉ là một cách giải thích có phần quá đơn giản cho những hoàn cảnh phức tạp? Có thể di truyền, nhưng không phải theo cách mà chúng ta nghĩ. Mỗi con người đều có quyền lựa chọn và định hình số phận của mình, dù môi trường xung quanh có tác động như thế nào.

Một số nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng, con nuôi có cha mẹ ruột là tội phạm, dễ trở thành tội phạm hơn so với con nuôi có cha mẹ ruột không phải là tội phạm. Các nghiên cứu khác cũng cho rằng tính khí và khía cạnh sinh học giống nhau, có thể dẫn đến các kết quả cuộc sống khác nhau, các học thuyết về nguyên nhân tiềm ẩn của tội phạm là vô tận và trải dài trên nhiều lĩnh vực. 

Một ví dụ điển hình trong đời thực có thể là trường hợp của T, một trong những kẻ sát nhân hàng loạt nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ. T lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khá đặc biệt. Dù không phải là một gia đình nghèo khó hay thiếu thốn về vật chất, nhưng ông đã trải qua một thời thơ ấu khá phức tạp, với những vấn đề về tâm lý và gia đình. Mặc dù không có ai trong gia đình bị kết án tội phạm, nhưng T lại trở thành kẻ sát nhân hàng loạt với ít nhất 30 nạn nhân. Tuy nhiên, việc T trở thành tội phạm không phải do di truyền từ cha mẹ, mà là kết quả của một loạt các yếu tố tâm lý, sự thiếu thốn tình cảm gia đình, và môi trường xã hội. Đây là minh chứng cho thấy rằng tội phạm không phải lúc nào cũng được “di truyền”, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như môi trường, giáo dục và tâm lý.

Mình nghĩ rằng, dù có yếu tố di truyền quan trọng, nhưng yếu tố môi trường, giáo dục và tâm lý luôn đóng vai trò quyết định. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường gia đình không lành mạnh, thiếu sự giáo dục và sự chăm sóc đúng mức có thể sẽ dễ dàng tiếp nhận các hành vi sai lệch và trở thành nạn nhân của chính hoàn cảnh đó.

Còn mọi người nghĩ sao về vấn đề này? Bình luận phía dưới nhé!

Cha mẹ biến con cái thành tội phạm hay con cái chối bỏ cha mẹ?

Cha mẹ của trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật thường mắc một một trong tất cả các khuyết điểm như khả năng giao tiếp kém, không nuôi dưỡng và hỗ trợ con cái đủ đầy, không đưa hình thức kỷ luật phù hợp, chối bỏ con cái, lạm dụng con cái, hoàn toàn không nhất quán trong cách đối xử con cái.

Câu chuyện về những vụ án thanh thiếu niên ở các khu vực nghèo khó tại các thành phố lớn, đặc biệt là trong các khu ổ chuột, nơi tỷ lệ trẻ em bỏ học, trẻ em bị lạm dụng và bạo lực gia đình là rất cao. Nhiều trẻ em ở khu vực ngoại ô Hà Nội đã bị gia đình bỏ rơi và không nhận được sự quan tâm đầy đủ, khiến các em cảm thấy bơ vơ và không có ai dẫn dắt. Một số em đã gia nhập các nhóm bạn xấu, tham gia vào các hoạt động tội phạm như trộm cắp, buôn bán ma túy, hoặc thậm chí gây rối trật tự công cộng.

Còn có những người cố tình biến mọi tình huống, hành động và lời nói của người xung quanh thành mối quan hệ cá nhân, khiến bản thân trở thành “nạn nhân” trong mọi hoàn cảnh. Những người này có xu hướng tận dụng sự cảm thông của người khác để thu hút sự chú ý, đồng cảm và bảo vệ cho những sai lầm hay hành động tiêu cực của mình. Họ thường xuyên lôi kéo người khác, khiến người xung quanh cảm thấy có trách nhiệm và lo lắng về tình trạng của họ, trong khi thực tế thì… “Ahihi, chúng mày đã bị lừa, đồ ngốc!”

Đặc biệt, trong môi trường gia đình, khi cha mẹ không có sự thống nhất và không thể đồng lòng trong việc giáo dục con cái, điều này sẽ tạo ra một không gian cho đứa trẻ “chia rẽ” gia đình. Một đứa trẻ tinh quái có thể nhận ra rằng khi một trong hai người cha mẹ không nhất quán trong cách ứng xử hoặc giáo dục, chúng sẽ lợi dụng điều đó để “lấn lướt” và chi phối tình hình. 

Như kiểu gia đình mà thương con trai quá, cưng chiều quá thì thường hư và sẽ cậy thế bắt nạt chị em trong nhà, không sợ ai. Kể cả có cờ bạc đổ nợ thì ông bà già tao lo tất. Những người chị em khác bị thiệt thòi, không phải không dám nói với cha mẹ, mà biết trước nói ra cũng không giải quyết được gì. Bởi vì cha mẹ luôn mặc định mình sai, con trai họ mới đúng, tại sao mình là chị mà không nhường em. Suy nghĩ in sâu rồi. Tác động tiêu cực của kiểu gia đình này như nào thì mỗi người mỗi ý.

Áp lực từ bạn bè

Không có lời bào chữa nào cho tội phạm,  bạn bè xấu không có nghĩa là bạn cũng sẽ xấu,  bạn xấu là do chính bạn. Nếu sợ bị “lây tính xấu” sao từ đầu còn chơi. Ngu thì chịu chứ đổ tại ai.

Sự lựa chọn cuối cùng vẫn thuộc về chúng ta. Ngu dốt, sai lầm hay phạm pháp, cuối cùng vẫn là do sự thiếu suy nghĩ và thiếu trách nhiệm của bản thân. 

Nếu không chịu thay đổi và nhận ra được bài học từ những sai lầm, thì chịu khó ăn cơm nhà nước!

Tội phạm và sự đổ lỗi

Lý do tội phạm bị xa lánh

Tội phạm thường là những người sẵn sàng đón nhận bất kỳ cơ hội nào, miễn là nó thỏa mãn được những ham muốn, nhu cầu cá nhân của họ, dù những điều này có thể trái với đạo đức và pháp luật. Họ chấp nhận mọi thứ mà cuộc sống đưa đến, miễn là nó giúp họ đạt được mục đích của mình, bất chấp hậu quả đối với người khác. Đối với những người phạm tội, việc thỏa mãn những khát khao tức thời có thể là điều quan trọng nhất, cho dù đó là quyền lực, tiền bạc hay sự thống trị. Họ không hề nghĩ đến cảm xúc hay sự tổn thương của những người xung quanh, mà chỉ chăm chăm vào việc thỏa mãn bản thân.

Một trong những lý do khiến những kẻ phạm tội bị xã hội xa lánh là chính những hành động đe dọa mà họ thực hiện. Không ai muốn sống trong một môi trường nơi mà mỗi ngày đều phải đối diện với sự sợ hãi, nơi mà sự an toàn không bao giờ được đảm bảo. Chính vì những hành vi đáng sợ đó, tội phạm tự mình tạo ra một bức tường cô lập, đẩy bản thân ra khỏi các mối quan hệ xã hội. Sự đe dọa và bạo lực không chỉ khiến họ trở thành mối nguy hiểm cho những người xung quanh, mà còn khiến chính họ rơi vào tình trạng cô độc, bị xa lánh.

Khi khái niệm trách nhiệm bị mờ nhạt

Những đứa trẻ hư hỏng, cũng như những kẻ phạm tội trưởng thành, thường có một điểm chung: chúng không bao giờ nhận lỗi về hành vi của mình. Thay vào đó, chúng tìm cách đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh, cho môi trường xung quanh. Chúng tự thuyết phục mình rằng nếu không phải vì cha mẹ, thầy cô, bạn bè hay xã hội không đối xử với mình như vậy, thì chúng đã không rơi vào tình trạng này. Thay vì đối diện với thực tế, chúng chọn cách chạy trốn khỏi trách nhiệm, tự mình tạo ra những cái cớ để biện minh cho hành động của mình.

Điều này cũng dễ dàng nhìn thấy ở những tên tội phạm trưởng thành. Họ hiếm khi suy nghĩ về hậu quả của hành động mình gây ra. Những hành vi sai trái, đôi khi tàn bạo, lại được chúng biện minh bằng những lý do vớ vẩn. Thay vì đối diện với tội lỗi của mình, anh ta liên tục đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác. “Nếu không phải vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, tôi đã không phải làm vậy. Mấy thằng bạn tôi cứ dụ dỗ, ép tôi tham gia. Nếu tôi không làm, tụi nó sẽ coi thường tôi và tôi sẽ không có gì cả.” Cho rằng nạn nhân của vụ cướp là “bất cẩn”, vì họ không chú ý đến xung quanh và đã trở thành mục tiêu dễ dàng để anh ta thực hiện hành động cướp giật. “Nạn nhân đã bất cẩn”, “Họ khiêu khích tôi”, hay “Nếu họ không làm vậy, tôi đâu phải hành động như thế”. Trong mắt những kẻ này, tội ác không phải là kết quả của hành vi sai trái của chính chúng mà là do những người khác đã “ép buộc” chúng phải phạm tội.

Với những tên tội phạm này, hành động tội lỗi không phải là một hành vi vô đạo đức, mà đơn giản là một cách để khẳng định quyền lực, kiểm soát và cảm giác phấn khích. Họ tìm thấy một loại khoái cảm trong việc thao túng và làm chủ tình huống, cảm giác “thắng” khi làm tổn thương người khác. Sự phấn khích từ quyền lực đó trở thành mục tiêu, là thứ mà họ coi là phần thưởng cho hành vi của mình.

Điều đáng buồn là những kẻ phạm tội này không có khái niệm về nghĩa vụ hay trách nhiệm. Trong đầu họ, “quyền lực”“thống trị” là tất cả những gì quan trọng, còn những khái niệm như “đạo đức” hay “lương tâm” hoàn toàn vô nghĩa. Quan điểm của họ là: “Làm những gì mình muốn, không quan tâm đến ai.” Sự thiếu vắng của lòng đồng cảm và trách nhiệm khiến họ không hề nhận thức được mức độ tổn thương mà họ gây ra cho người khác, thậm chí không hề cảm thấy hối hận.

Cảm giác quyền lực và bạo lực trong tâm lý tội phạm

Một số tội phạm, đặc biệt là những kẻ có xu hướng bạo lực, có thể đánh giá mình là những người có “ham muốn tình dục mạnh mẽ”, nhưng đó chỉ là một biểu hiện của một cảm giác khao khát quyền lực và kiểm soát, không phải là nhu cầu sinh lý đơn thuần. Cảm giác phấn khích từ việc chiếm đoạt và thao túng đối với người khác tạo ra cho họ một cảm giác mạnh mẽ, một sự thỏa mãn rất khác biệt so với những gì người bình thường cảm nhận.

Sự phấn khích này không phải đến từ nhu cầu sinh lý, mà từ cảm giác quyền lực khi có thể điều khiển và bắt người khác phải hành xử theo ý muốn của mình. Đối với họ, việc không đạt được điều mình muốn không chỉ là một sự thất bại, mà là một sự sỉ nhục không thể chấp nhận được. Một lời từ chối, một hành động không theo ý họ, có thể dễ dàng biến thành một cơn giận dữ, một sự thịnh nộ không thể kiểm soát. Cơn giận đó không chỉ là cảm giác bất mãn, mà là một cơn bão cảm xúc mạnh mẽ, nổ ra từ sự mất kiểm soát và nỗi sợ hãi sâu thẳm bên trong: sự sợ hãi bị mất quyền lực. Mỗi khi bị thách thức hay đối diện với sự không kiểm soát được, họ cảm thấy như bản thân bị tổn thương, bị hạ thấp. Đó là lý do vì sao tội phạm không chỉ dừng lại ở việc gây tổn thương vật lý cho nạn nhân mà còn khiến họ phải chịu đựng một cảm giác quyền lực, một sự kiểm soát tuyệt đối, nhằm “đánh dấu” bản thân và khẳng định sức mạnh của mình trong một thế giới mà họ cảm thấy dễ bị tổn thương và yếu đuối.

Ví dụ như những vụ án bem người yêu những năm gần đây, thật đáng sợ. Vì mối quan hệ trở nên căng thẳng vì sự ghen tuông và mâu thuẫn trong tình cảm, những bất đồng không thể hòa giải, không thể kiểm soát được cảm xúc mà gây ra những sự việc đau lòng.

Sự tức giận và hành vi kiểm soát: Khác biệt giữa người bình thường và tội phạm

Giận dữ là một cảm xúc tự nhiên mà mình nghĩ rằng ai trong chúng ta cũng từng trải qua. Tuy nhiên, cách mỗi người đối mặt với cơn giận lại có sự khác biệt rõ rệt. Đối với những người bình thường, sự tức giận thường mang tính tập trung, tức là họ có thể cảm thấy tức giận trong một tình huống cụ thể nhưng sẽ nhanh chóng nhận thức được rằng cơn giận đó cần phải được kiềm chế và xử lý một cách hợp lý. Họ có khả năng tự điều chỉnh cảm xúc, không để cơn giận lấn át lý trí và có thể giải quyết vấn đề mà không gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đối với tội phạm, sự tức giận lại có thể biến thành một mối đe dọa nguy hiểm, không chỉ đối với người khác mà còn đối với chính bản thân họ. Khi một kẻ phạm tội cảm thấy bị xúc phạm, bị lăng mạ hay bị thách thức, sự tức giận của họ không chỉ đơn thuần là một phản ứng tình cảm mà là một cuộc “tấn công” vào cái tôi và danh dự của họ. Đối với những kẻ này, cảm giác bị xúc phạm giống như một mối đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại tâm lý của họ. Cái tôi của họ rất dễ bị tổn thương, và khi không thể đối mặt với cảm giác thất bại hay mất quyền kiểm soát, họ sẵn sàng sử dụng bạo lực hoặc những hành động tội phạm khác để bảo vệ “danh dự” và tự tôn của mình.

Họ không chấp nhận thất bại và coi bất kỳ sự khước từ nào từ người khác là một sự “lăng mạ”, đe dọa đến sự tồn tại của bản thân. Vì thế, họ không chỉ tìm cách trút giận mà còn muốn làm tổn thương người khác như một cách để khôi phục lại sự “quyền lực” “thống trị” trong mắt mình.

Ví dụ, trong một vụ bạo hành gia đình, người chồng có thể cảm thấy bị xúc phạm khi vợ phản đối hoặc không đồng tình với quyết định của anh ta. Cơn giận của anh ta không chỉ đơn thuần là sự bất đồng quan điểm, mà là một cuộc tấn công vào lòng tự trọng và quyền lực của anh ta trong gia đình. Trong lúc không thể kiềm chế được cảm xúc, anh ta có thể trở nên bạo lực và tấn công vợ, coi đó như một cách để “trả thù” cho sự tổn thương mà anh ta cảm thấy.

Tất cả tội phạm đều vi phạm pháp luật một cách có ý thức 

Mai thúy không phải là nguyên nhân, mà là một cái “bản lề” giúp lật mở những phần tối tăm trong tâm trí của những người dễ bị tác động. Những hành vi phạm tội mà người ta thực hiện dưới ảnh hưởng của mai thúy thường chỉ là sự phát triển mạnh mẽ của những khía cạnh tiêu cực vốn có trong họ, mà trước đây có thể bị kìm nén hoặc không bộc lộ. Chính vì thế, mai thúy không phải là yếu tố tạo nên tội phạm, mà chỉ làm “lộ diện” những bản năng xấu xa, như sự tham lam, bạo lực hay thèm khát quyền lực, mà những kẻ phạm tội không thể kiềm chế khi chúng mất đi khả năng kiểm soát khi bị chất kích thích chi phối.

Trong xã hội hiện đại, nhiều người đã và đang lạm dụng mai thúy như một cách để trốn tránh trách nhiệm trong cuộc sống. Để thoát khỏi những yêu cầu khó khăn từ gia đình, công việc, hay các mối quan hệ xã hội. Cảm giác “phấn khích” mà mai thúy mang lại là một lối thoát tạm thời khỏi cảm giác bất lực và căng thẳng, nhưng nó cũng dẫn đến sự suy thoái của đạo đức và sự giảm sút khả năng phán đoán đúng sai.

Đặc biệt, với những người có tâm lý thiếu ổn định hoặc đã có xu hướng tội phạm từ trước, mai thúy càng làm trầm trọng thêm các yếu tố tiêu cực trong tâm lý họ. 

Ví dụ, một số tội phạm có thể tìm đến mai thúy như một công cụ để “giành lấy quyền lực” hay cảm giác “thống trị” trong các mối quan hệ. Cảm giác hưng phấn và cảm giác mạnh mẽ mà mai thúy mang lại khiến họ tìm kiếm những trải nghiệm cực đoan hơn trong các khía cạnh khác của cuộc sống, đặc biệt là trong hành vi tình dục hoặc bạo lực. Những kẻ này không chỉ tìm kiếm cảm giác thỏa mãn cá nhân mà còn muốn khẳng định quyền lực và kiểm soát đối với người khác.

Trên đây là những quan điều  mà mình tâm đắc khi đọc cuốn sách “Tâm lý học tội phạm 1”, mình cũng trình bày thêm những ví dụ để mọi người dễ hình dung hơn. Nếu mọi người cảm thấy hứng thú và muốn đào sâu hơn nữa vào thế giới phức tạp của tâm lý học tội phạm thì có thể tìm đọc cuốn sách này nhé!

Hẹn gặp mọi người ở bài viết sau nha!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *