TÔI THÍCH TÔI NỖ LỰC HƠN

Xin chào mọi người, mình là Thanh Huyền! Cảm ơn các mọi người đã ghé thăm blog của mình – nơi mình chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm và bài học quý giá mà mình đã đúc kết từ cuộc sống. Trong bài viết hôm nay, mình rất hào hứng được chia sẻ những điều tâm đắc nhất từ cuốn sách Sống Thực Tế Giữa Đời Thực Dụng của tác giả Mễ Mông. Cùng một vài quan điểm cá nhân mà mình đã hình thành và phát triển khi đọc cuốn sách này. Hy vọng sẽ giúp mọi người tìm thấy những góc nhìn mới mẻ và có thêm động lực trong hành trình sống thực tế, mạnh mẽ và đầy ý nghĩa!

Con người sẽ trải qua ba lần trưởng thành trong đời.

Lần đầu tiên, khi ta nhận ra mình không phải là trung tâm của vũ trụ, và thế giới rộng lớn hơn những gì ta tưởng.

Lần thứ hai, khi ta đối diện với sự bất lực, nhận thấy dù có nỗ lực đến đâu, vẫn có những điều nằm ngoài tầm kiểm soát.

Và lần cuối cùng, là khi ta hiểu rằng có những việc mình không thể làm được, nhưng vẫn quyết tâm đấu tranh đến cùng, không bao giờ từ bỏ. Đó là những khoảnh khắc thực sự giúp ta trưởng thành và hiểu rõ giá trị của bản thân trong một thế giới đầy thử thách.

Mình tin rằng, đã có lúc nhiều người trong chúng ta trải qua cảm giác này: Dù đã cố gắng hết sức, toàn tâm toàn ý theo đuổi mục tiêu, không hề nản lòng, nhưng cuối cùng lại chẳng thể thu hoạch được thành quả gì. Thất vọng, suy sụp, và thậm chí cảm thấy bản thân vô dụng. Tại sao người khác có thể làm được, còn mình thì không? Tại sao cuộc đời lại bất công đến thế? Những sai lầm cứ nối tiếp nhau, và nỗi oán trách trong lòng ngày càng lớn dần. Nhưng rồi, khi mọi thứ đã qua đi, oán trách và buồn tủi chỉ khiến chúng ta mệt mỏi hơn, còn kết quả thì vẫn không thay đổi. Mình không muốn khuyên mọi người lúc nào cũng phải tích cực hay tràn đầy năng lượng, bởi vì mình tin rằng mỗi cảm xúc, dù là vui hay buồn, đều là một phần của trải nghiệm sống. Quan trọng nhất là chúng ta sống thật với chính mình, đón nhận tất cả những cảm xúc đó, và hiểu rằng đó cũng là một phần của hành trình trưởng thành.

Để mình chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người nha. Như mọi người đã biết, hiện tại mình đang học ba ngoại ngữ: Tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Hàn. Trong đó, tiếng Trung và tiếng Hàn là hai ngoại ngữ mà mình mới học được khoảng hai năm gần đây. Khi nói đến tiếng Hàn, mình phải thừa nhận rằng mình đã dành rất nhiều tâm huyết cho nó. Mình thật sự không nói ngoa đâu, trong hơn một năm trời, mỗi sáng mình đều dậy từ 4 giờ sáng để học từ vựng và ngữ pháp. Nhưng dù đã nỗ lực hết mình, nhưng khả năng tiếng Hàn của mình vẫn không tiến triển. Nghe, nói, viết đều không khá hơn chút nào, ngoài việc đọc được thì chẳng có gì nổi bật.

Nhưng tiếng Trung thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Khi mới bắt đầu, mình chỉ tranh thủ đọc từ vựng vào giờ nghỉ trưa, mỗi lần khoảng 15 phút. Thế mà mọi người tin không, mình cảm thấy tự tin nói tiếng Trung hơn hẳn so với tiếng Hàn. Thời gian trôi qua, động lực học tiếng Hàn của mình dần mất đi. Mình bắt đầu tự hỏi: “Liệu mình có thiếu năng khiếu học ngoại ngữ này không?” Và, thật sự, mình đã từng nghĩ đến việc bỏ cuộc.

Nhưng rồi một điều bất ngờ đã đến, mình nhận ra rằng vấn đề không phải do ngoại ngữ mà chính là cách học của mình. Cách học của mình đã hoàn toàn sai. Khi học tiếng Trung, mình đã tập trung vào việc nghe nhiều hơn, trong khi với tiếng Hàn, mình chỉ chăm chăm vào việc học từ vựng và ngữ pháp. Chính sai lầm này đã khiến mình nhận ra: Mình cần phải thay đổi phương pháp học.

Từ đó, mình quyết định không ép bản thân dậy sớm mỗi ngày để học nữa. Thay vào đó, mình ưu tiên ngủ đủ giấc, khoảng 7 tiếng mỗi ngày. Bởi mình hiểu rằng chỉ khi cơ thể và tâm trí được nghỉ ngơi đầy đủ, mình mới có thể học tập hiệu quả. Tâm trí thoải mái, tinh thần tỉnh táo là điều kiện cần thiết để tiếp thu ngoại ngữ một cách tốt nhất.

Đôi khi, không phải là chúng ta thiếu khả năng, mà chỉ đơn giản là phương pháp chưa đúng. Hãy luôn kiên nhẫn và tìm ra cách học phù hợp với bản thân, vì chính sự thay đổi này sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công.

Thay vì chỉ mãi loay hoay học từ vựng và ngữ pháp khô khan như trước, mình quyết định thay đổi cách tiếp cận. Mình bắt đầu tập trung vào kỹ năng nghe nhiều hơn, và một trong những cách thú vị mình áp dụng là xem các bộ phim Hàn Quốc. Vừa giải trí, vừa luyện nghe – mình nhận ra trình độ nghe của mình đã cải thiện từng chút một. Quan trọng hơn cả, mình không còn cảm thấy thất vọng như trước nữa. Bởi vì giờ đây, mình hiểu rằng mọi thứ đều cần thời gian, và chỉ cần mình kiên trì đi đúng hướng, chắc chắn sẽ có ngày mình gặt hái được thành quả.

Thời điểm chúng ta cảm thấy quá muộn lại là thời điểm sớm nhất

Có một điều mình học được trong cuốn sách này: “Thời điểm ta cảm thấy đã quá muộn lại chính là thời điểm sớm nhất.” Đúng vậy, mình đã học sai cách suốt gần 2 năm, nhưng may mắn là mình nhận ra được sai lầm và sửa đổi. Chính nhờ những sai lầm trước đó mà quá trình luyện nghe giờ đây trở nên dễ dàng hơn một chút. Quan trọng hơn cả, mình không bỏ cuộc, mà thay đổi cách tiếp cận để đi đúng hướng.

Điều khác biệt giữa một nỗ lực bình thường và nỗ lực hết mình chính là ở chỗ: Khi ta nghĩ mình đã dốc hết sức lực, nhưng rồi lại nhận ra rằng khi đã cho đi tất cả, ta vẫn cảm thấy nỗ lực của mình dường như chưa đủ. Mục tiêu vẫn ở phía trước, hành trình dài vẫn tiếp tục, bao nhiêu khó khăn cũng không chùn bước, chẳng lẽ đến thời điểm này lại dễ dàng bỏ cuộc như vậy sao.

Cũng giống như việc học ngoại ngữ, nếu lúc đó mình nản lòng và từ bỏ, có lẽ giờ đây mình đã không có thêm một ngoại ngữ như tiếng Hàn. Tất cả thời gian và công sức bỏ ra trước đó sẽ thành công cốc. Nhưng chính nhờ những thử thách ấy, mình mới nhận ra rằng đôi khi, sự kiên trì và thay đổi đúng cách là chìa khóa giúp ta tiếp tục tiến lên.

Làm thế nào để sống vui vẻ trong thế giới khốn kiếp này?

Thế giới này phức tạp u ám và đầy những chuyện hoang đường nhưng biết là sao, chúng ta đã sống ở thế giới này rồi, nếu không lựa chọn đối mặt, chẳng lẽ lại lựa chọn trốn tránh?

Tiếp tục cuộc sống vui vẻ của chính mình, những khó khăn ập tới thì cứ buồn, buồn xong cũng phải sống tiếp. Thế giới này tồn tại nhiều lại sinh vật như thế, chắc hẳn chúng ta phải rất vất vả ở những kiếp sống trước, nên kiếp này mới được làm người, nhất định không được lãng phí. Đây cũng là động lực giúp mình luôn cố gắng học hỏi khám phá và không ngừng nâng cao bản thân. Nghe lãng xẹt nhỉ hihi. Nhưng mà mình thấy lý do đó cũng hợp lý mà.

Mình là kiểu người luôn thích làm mọi thứ theo kế hoạch. Mình đã lên lịch trình cụ thể để đảm bảo mình có thể tốt nghiệp trong năm nay, nhưng rồi một ngày, mình nhận ra mình còn thiếu hai môn. Lúc đó, mình thật sự hoảng và cảm thấy chán nản. Vì nếu thời gian học kéo dài, tất cả các dự định khác của mình cũng sẽ bị ảnh hưởng. Buồn vô cùng tận, khi mình đã chia sẻ với anh người yêu. Anh ấy hỏi: “Vậy em đã đăng ký hai môn mới chưa?” Mình trả lời: “Dạ, em đăng ký rồi.”

Các bạn có nhận ra sự khác biệt ở đây không? Khi gặp khó khăn, mình không ép bản thân phải luôn tích cực, vui vẻ. Buồn thì buồn, nhưng mình hiểu rằng đó là cảm xúc tự nhiên và cũng là một phần của quá trình. Điều quan trọng là mình không để nỗi buồn ngăn cản mình tiếp tục tiến lên. Mình vẫn xử lý vấn đề và không để mọi chuyện dậm chân tại chỗ.

Còn mọi người thì sao? Khi gặp phải những lúc buồn bã, mọi người thường đối diện và vượt qua nó như thế nào? Hãy chia sẻ với mình nhé!

Thành công chính là khiến cho những người bên cạnh vui vẻ vì có chúng ta

Thành công thực sự ngoài việc bản thân đạt được mục tiêu, còn khiến những người xung quanh cảm thấy vui vẻ vì có chúng ta trong cuộc sống. Cuộc đời này là chuỗi các mối quan hệ, được xây dựng và kết nối với nhau. Một sự nghiệp vững vàng, sức khỏe tốt mà không có một gia đình hạnh phúc, không có sự yêu thương từ người thân, thì thành công đó có còn ý nghĩa gì?

Gia đình mình cũng được xem là một gia đình hạnh phúc, dù đôi lúc cũng có mâu thuẫn, có những lúc bố mẹ la mắng, hay anh chị em không tránh khỏi những xích mích, cãi vã. Nhưng trong thâm tâm, mình luôn hiểu rõ một điều: Gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất, là nơi duy nhất mình luôn có thể quay về. Bố mẹ luôn là người yêu thương mình vô điều kiện, và điều đó là vô giá.

Không phải ai cũng may mắn được sinh ra trong một gia đình hoàn hảo, nhưng nếu chúng ta không thể có một gia đình lý tưởng từ khi sinh ra, thì ít nhất cũng có thể tự xây dựng một mái ấm hạnh phúc cho riêng mình. Tiền bạc có thể quan trọng, nhưng gia đình luôn là điều quan trọng nhất.

Hy vọng rằng mỗi chúng ta sẽ tìm được niềm vui, sự an yên và hạnh phúc trong chính mái ấm của mình.

Với một người đàn ông cách tốt nhất để họ bảo vệ con cái của mình là mãi mãi yêu thương mẹ của chúng.

Mình tin rằng, đây là quan điểm mà hầu hết mọi người đều đồng tình. Bố mình có thể không giúp mẹ làm việc nhà hay nấu cơm, nhưng mình luôn biết, tình yêu và sự quan tâm của bố dành cho mẹ là vô cùng sâu sắc. Mẹ mình thường hay càu nhàu về bố, nhưng thực ra, mỗi khi trò chuyện với chúng mình, mẹ lại kể về những gì bố đã làm, về những khó khăn mà bố đã vượt qua. Mẹ luôn so sánh những người đàn ông khác với bố, nói rằng bố không hút thuốc, không uống rượu, không có thói hư tật xấu và luôn yêu thương gia đình mình hết lòng. Chính vì vậy, mẹ mình luôn dặn dò mình: “Khi chọn người yêu, người chồng, phải tìm người tốt như bố.”

Đó là một bài học quý giá mà mình luôn ghi nhớ: Tình yêu và sự tôn trọng giữa hai người có thể là nền tảng vững chắc để xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Chúng ta không nhìn thấy hạnh phúc của người khác, thì cũng không có quyền phủ định sự tồn tại của tình yêu chân chính.

Nhiều người thường nói rằng thời nay chỉ có tiền bạc mới quan trọng, và tình yêu thật sự dường như là điều xa xỉ. Mình không biết họ thực sự đã phải trải qua những ấm ức, tủi nhục nào, mới có thể nói ra như vậy. Mỗi người mỗi quan điểm, mình là người thực tế, nhưng mình tin vào tình yêu chân chính, như bố mẹ mình hiện tại vậy đó. Mình không dám chắc về tương lai, không biết gia đình mình sẽ như thế nào, nhưng cho đến thời điểm mình viết những dòng này, mọi thứ đều đang tốt đẹp. 

Có một lần, mình hỏi người yêu của mình: “Bây giờ anh yêu em, thế sau này nếu anh không còn yêu em nữa thì sao?” Anh ấy không hứa hẹn hay thề thốt kiểu như: “Anh hứa sẽ luôn yêu em, luôn đối tốt với em, đừng lo lắng nữa.” Mà anh ấylại trả lời đơn giản: “Ba mẹ anh đã bên nhau hơn 20 năm rồi, tình cảm của ba dành cho mẹ vẫn như vậy, em có nhận ra không?” Và mình thật sự cảm nhận được tình yêu mà ba anh dành cho mẹ, sự cưng chiều mà không lời nói nào có thể diễn tả hết, khiến một người trẻ như mình cũng phải ghen tị.

Cũng giống như tình yêu của bố mẹ mình, dù họ không nói ra, nhưng mình biết rằng tình yêu của họ dành cho nhau vẫn luôn vẹn nguyên. Không phải thể hiện ra ngoài, nhưng sự quan tâm và chăm sóc luôn cảm nhận rõ. Tình yêu chân chính vẫn luôn tồn tại, dù là trong những hành động nhỏ nhặt hàng ngày hay trong những điều giản dị nhất.

“Làm gì có chuyện bình thản chịu đựng đau khổ, tôi chỉ đang dùng thời gian người khác tin vào kỳ tích để tin vào báo ứng mà thôi.”

Câu nói này khiến mình suy nghĩ rất nhiều. Đôi khi, chúng ta cứ nghĩ rằng chịu đựng và cam chịu là cách duy nhất để vượt qua khó khăn. Nhưng thực tế, đó chỉ là một cách để đánh lừa bản thân, khiến ta chờ đợi một phép màu nào đó mà không nhận ra rằng thời gian ta chờ đợi chính là thời gian ta có thể tự thay đổi số phận của mình. 

Vậy mọi người nghĩ sao về câu nói này? Hãy chia sẻ suy nghĩ của mình dưới phần bình luận nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *