KỸ NĂNG PHỎNG VẤN – GIÚP MỌI NGƯỜI VƯỢT QUA DỄ DÀNG

Chào mọi người, mình là Thanh Huyền đây! Cuối năm thường là thời điểm nhiều công ty thay đổi nhân sự, và cũng là lúc mọi người bắt đầu tìm kiếm cơ hội mới cho năm sau. Để có một khởi đầu suôn sẻ, chúng ta đều phải đối mặt với quá trình phỏng vấn – bước đi không thể thiếu trong hành trình tìm việc. Tính đến nay, mình đã có hơn 3 năm kinh nghiệm làm việc, trải qua vô vàn cuộc phỏng vấn với các công ty khác nhau. Trong suốt thời gian đó, mình đã rút ra một số bí kíp nhỏ giúp tự tin hơn khi đối diện với nhà tuyển dụng. Hy vọng những chia sẻ này sẽ là nguồn động lực giúp mọi người chinh phục mọi cuộc phỏng vấn trong thời gian tới!

Đầu tiên, một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua khi đi phỏng vấn chính là trang phục. Mình thường chọn áo sơ mi trắng kết hợp với chân váy hoặc quần tây – vừa thanh lịch lại tạo sự chuyên nghiệp. Trang phục cần phải đơn giản, lịch sự và tránh các chi tiết quá cầu kỳ. Nếu công ty có màu sắc thương hiệu riêng, chúng ta cũng có thể chọn trang phục phù hợp với tone màu đó để tạo ấn tượng. Để luôn tự tin và không bị căng thẳng, mình thường đến trước địa điểm phỏng vấn ít nhất 10 phút, vừa để chuẩn bị tinh thần, vừa tránh tình trạng đến trễ vì kẹt xe, tắc đường hay nguyên nhân ngoài ý muốn.

Ok, giờ thì bước vào buổi phỏng vấn nha.

Giới thiệu bản thân

Khi giới thiệu bản thân trong cuộc phỏng vấn, việc thể hiện một cách khéo léo và súc tích là điều cực kỳ quan trọng. Chúng ta cần đi thẳng vào vấn đề, tránh lan man những thông tin không cần thiết. Hãy bắt đầu với các yếu tố cơ bản như họ tên, tuổi, trình độ học vấn, và tính cách. Đừng quên nhấn mạnh kinh nghiệm làm việc, khả năng chuyên môn cùng những sở thích, kỹ năng phù hợp với công việc. Điều này không chỉ giúp chúng ta tạo ấn tượng mà còn chứng tỏ sự tự tin và chuyên nghiệp.

Hãy luôn giữ cho mình một “đường lui” trong cuộc phỏng vấn. 

Điều quan trọng là phải trung thực, nhưng cũng đừng tiết lộ tất cả mọi điều, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm. Khi tự giới thiệu, tránh việc khoe khoang thái quá hay tỏ ra kiêu ngạo, vì điều này chỉ khiến chúng ta mất đi sự thiện cảm từ nhà tuyển dụng. Sự khiêm tốn và thái độ chân thành sẽ giúp gây ấn tượng tốt hơn và thể hiện sự chuyên nghiệp trong mắt người phỏng vấn. 

Đây là cách mình thường giới thiệu bản thân khi phỏng vấn: “Dạ, em chào chị. Em tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Huyền, sinh năm 2000. Em đã tốt nghiệp chuyên ngành Thương mại điện tử và Quản trị kinh doanh. Trước đây, em có kinh nghiệm đảm nhận các công việc như viết content, lập kế hoạch, thiết kế banner, quản lý fanpage và điều hành sàn thương mại điện tử. Khi biết công ty đang tuyển dụng vị trí Nhân viên Marketing, em đã đọc qua mô tả công việc và cảm thấy rất phù hợp với khả năng của mình, nên quyết định ứng tuyển ạ.”

Một điều quan trọng cần lưu ý là khi người phỏng vấn khen ngợi quá mức, chúng ta nên cảnh giác. Đôi khi, đó có thể là cách để họ ngầm thể hiện sự không hài lòng và muốn kết thúc cuộc trò chuyện sớm hơn (thực ra là “khịa” để mình im lặng). Vì vậy, hãy chú ý đến ngữ điệu và thái độ của người phỏng vấn, để tránh rơi vào tình huống không mong muốn.

Trả lời câu hỏi thường gặp

Tại sao lại ứng tuyển vào công ty này?

Sự linh hoạt trong việc điều chỉnh câu trả lời sao cho phù hợp với tình huống thực tế là một kỹ năng quan trọng, giúp tạo ấn tượng tốt đẹp với người phỏng vấn. Nếu là mình, mình sẽ trả lời như sau: “Dạ, trước đây em có kinh nghiệm chủ yếu trong ngành mỹ phẩm và biên tập video ngắn. Tuy nhiên, vì em mong muốn mở rộng và cống hiến thêm trong lĩnh vực [tên lĩnh vực], và sau khi tìm hiểu về công ty, em cảm thấy đây là môi trường phù hợp để em phát triển, nên em đã quyết định gửi CV ứng tuyển.”

Anh chị hiểu gì về công ty chúng tôi?

Trước khi tham gia phỏng vấn, một bước quan trọng mà chúng ta không nên bỏ qua là tìm hiểu kỹ về công ty. Công ty hoạt động trong lĩnh vực nào? Có công ty con hay chi nhánh nào không? Lợi nhuận hàng năm ra sao và những thành tựu nổi bật mà công ty đã đạt được là gì? Đây đều là những câu hỏi mà chúng ta có thể gặp phải trong cuộc phỏng vấn. Việc chuẩn bị sẵn sàng sẽ giúp chúng ta không bị “sượng” khi đối diện với những câu hỏi này, đồng thời tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.

Chuyên ngành của bạn là gì?

Để tạo ấn tượng tốt trong phần giới thiệu bản thân, mình nghĩ sau khi nhắc đến chuyên ngành, chúng ta có thể liệt kê thêm một số môn học nổi bật, đặc biệt là những môn có liên quan trực tiếp đến vị trí ứng tuyển. Dù trong phần giới thiệu ban đầu đã chia sẻ về bản thân, nhưng đôi khi người phỏng vấn có thể quên, hoặc chính chúng ta cũng không nhớ hết. Trong trường hợp đó, hãy trả lời một cách thoải mái và tự tin, vì sự dễ chịu và thoải mái của chúng ta chính là chìa khóa để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

Bạn muốn có sự nghiệp riêng không?

Câu hỏi này luôn đòi hỏi sự thận trọng khi trả lời. Nếu chúng ta nói rằng không có kế hoạch nào ngoài việc toàn tâm toàn ý cống hiến cho công ty, có thể sẽ bị đánh giá là thiếu chí tiến thủ, chỉ an phận và không có khát vọng phát triển. Nhưng nếu chúng ta thừa nhận có kế hoạch cá nhân, thì lại có thể bị cho là quá tham vọng và khó gắn bó lâu dài với công ty. Theo mình, một câu trả lời hợp lý có thể là: “Em luôn sẵn sàng cống hiến hết mình cho công ty, nhưng đồng thời cũng mong muốn phát triển bản thân và học hỏi thêm để có thể đóng góp nhiều hơn trong tương lai.” Mọi người nghĩ sao? Nếu có câu trả lời nào hay hơn, đừng ngần ngại chia sẻ dưới phần bình luận để cùng nhau học hỏi nhé!

Bạn có kinh nghiệm gì về công việc này chưa?

Dù thông tin đã rất rõ ràng trên CV, nhưng mình nhận thấy các nhà tuyển dụng vẫn thường hỏi lại. Khi đó, mình thường trả lời như sau: “Dạ, trước đây em từng làm vị trí nhân viên content tại công ty Khải Hoàn Net. Công việc của em bao gồm viết nội dung và sản xuất video phục vụ cho các chiến dịch quảng cáo. Bên cạnh đó, em còn đảm nhận việc quản lý và đăng tải hình ảnh trên fanpage, quản lý các sàn thương mại điện tử, thiết lập chương trình khuyến mãi và xử lý các khiếu nại nếu có.”

Lưu ý rằng khi chia sẻ về kinh nghiệm, chúng ta nên giữ thái độ khiêm tốn và tránh khoa trương. Bởi nếu không, người phỏng vấn có thể hiểu sai về khả năng của chúng ta và từ đó đưa ra những câu hỏi khó, thậm chí “xoáy” vào những điểm chưa rõ ràng, khiến chúng ta bị lúng túng. 

Hãy tự tin nhưng đừng quá phô trương, điều đó sẽ giúp gây ấn tượng tốt hơn trong mắt nhà tuyển dụng.

Ngoài tiền lương, loại phúc lợi nào ngoài mà bạn quan tâm nhất?

“Dạ, ngoài lương cơ bản, em mong công ty có thêm chính sách thưởng dành cho nhân viên đạt KPI, hoặc có hỗ trợ lương cho các giờ làm thêm. Điều này không chỉ giúp động viên tinh thần mà còn khuyến khích nhân viên nỗ lực hết mình, tìm mọi cách để đạt được mục tiêu, từ đó xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Về các phúc lợi như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, em hiểu rằng đây là quyền lợi được nhà nước quy định, vì vậy em tin rằng công ty sẽ luôn đảm bảo đầy đủ cho nhân viên.”

Nếu vị trí mọi người ứng tuyển yêu cầu phải di chuyển thường xuyên hoặc gặp gỡ khách hàng, đừng ngần ngại đề xuất những khoản trợ cấp hợp lý để đảm bảo quyền lợi của mình. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng các đề xuất cần phải hợp tình hợp lý, tránh quá tham lam, “được voi đòi hai bà trưng”. Một yêu cầu vừa phải và thuyết phục sẽ giúp chúng ta tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng mà vẫn giữ được sự chuyên nghiệp.

“Dạ, em nhận thấy công việc yêu cầu di chuyển và gặp gỡ khách hàng khá nhiều. Vì vậy, em muốn hỏi về các khoản hỗ trợ như trợ cấp xăng xe hoặc chi phí đi lại, giúp em có thể hoàn thành tốt công việc mà không gặp phải vấn đề về chi phí cá nhân. Em tin rằng việc hỗ trợ như vậy sẽ giúp em tập trung hơn vào công việc và đóng góp hiệu quả cho công ty.”

 Bạn có sở thích gì?

Theo mình, khi được hỏi về sở thích, chúng ta nên chia sẻ những hoạt động tích cực như đọc sách, học ngoại ngữ, chơi thể thao, giao lưu bạn bè, hay tham gia các hoạt động thiện nguyện, thay vì những sở thích như xem phim, tán gẫu hay chơi game. Những sở thích này không chỉ tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng mà còn phản ánh thái độ sống tích cực của chúng ta.

Điều quan trọng là luôn chọn lựa từ ngữ sao cho khéo léo và chân thật, không phải nói dối. 

Hãy thể hiện rõ lập trường của mình một cách tự tin, nhưng cũng đừng để sở thích cá nhân ảnh hưởng đến công việc.

Khuyết điểm lớn nhất của bạn là gì?

Mình thấy một số người thường trả lời rằng khuyết điểm chính là “quá cầu toàn”. Tuy nhiên, theo mình nghĩ, đây không phải là câu trả lời hay. Mặc dù tính cầu toàn có thể là một điểm mạnh trong công việc, nhưng nếu nói quá cầu toàn là khuyết điểm, chúng ta có thể khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng chúng ta là người khó tính, hoặc gặp khó khăn trong việc hoàn thành công việc đúng hạn. Thay vào đó, chúng ta có thể chia sẻ một khuyết điểm thật sự nhưng không ảnh hưởng đến công việc quá nhiều, chẳng hạn như “Em đôi khi hơi khó khăn trong việc phân chia thời gian khi quá nhiều nhiệm vụ cùng lúc, nhưng em đang nỗ lực cải thiện kỹ năng quản lý thời gian của mình để làm việc hiệu quả hơn.”

Câu trả lời này vừa thật lòng, vừa cho thấy chúng ta biết nhận thức về điểm yếu của mình và có sự chủ động trong việc cải thiện. Điều này sẽ tạo ấn tượng tốt hơn với nhà tuyển dụng.

Mọi người nhớ nêu ra những khuyết điểm không ảnh hưởng đến công việc trong tương lai nha.

Bạn sẽ cư xử như thế nào với cấp trên?

Khi được hỏi về cách cư xử với cấp trên, mình nghĩ rằng điều quan trọng nhất là luôn duy trì thái độ tôn trọng và chuyên nghiệp. Chúng ta cần nâng cao khả năng giao tiếp, lắng nghe ý kiến và chỉ dẫn của cấp trên một cách cởi mở, đồng thời luôn thể hiện sự chủ động trong công việc. Mối quan hệ với đồng nghiệp cũng nên được xây dựng trên nền tảng hợp tác và tôn trọng, vì một môi trường làm việc đoàn kết sẽ giúp công ty phát triển mạnh mẽ.

Lợi ích công ty luôn là ưu tiên hàng đầu, và chúng ta cần hiểu rằng sự thành công của tổ chức là yếu tố quan trọng nhất, chứ không phải lợi ích cá nhân. Tuyệt đối không để những tính toán cá nhân ảnh hưởng đến công việc chung. Hãy luôn giữ thái độ cầu tiến, sẵn sàng học hỏi và làm việc chăm chỉ để đạt được mục tiêu chung của công ty. Cách cư xử này không chỉ giúp chúng ta ghi điểm với cấp trên, mà còn thể hiện bản thân là người có tư duy trưởng thành và chuyên nghiệp.

Nếu vị trí công việc có thay đổi, bạn được sắp xếp làm công việc không như nguyện vọng ban đầu, thì bạn có đồng ý không?

Khi được hỏi về việc thay đổi công việc hoặc được sắp xếp vào một vị trí không giống như nguyện vọng ban đầu, mình nghĩ rằng điều quan trọng là luôn trả lời một cách trung thực và nhẹ nhàng, bày tỏ rõ ràng ý kiến của mình mà không cần phải làm hài lòng người phỏng vấn một cách thái quá. Việc này không chỉ giúp chúng ta duy trì sự chân thành mà còn giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về mong muốn và định hướng nghề nghiệp của chúng ta.

Ví dụ, nếu nhà tuyển dụng hỏi: “Em ứng tuyển vị trí nhân viên Marketing, nhưng hiện tại vị trí này đã đủ người, bên bộ phận Sale còn tuyển, em có muốn thử sức không?”

Nếu là mình, mình sẽ trả lời như sau: “Dạ, đầu tiên em cảm ơn chị vì đã đưa ra các phương án để em lựa chọn. Tuy nhiên, em đã được công ty liên hệ phỏng vấn với vị trí nhân viên Marketing và hiện tại, em rất muốn phát triển trong lĩnh vực này. Em hiểu rằng Sale và Marketing có sự liên kết chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau, nhưng em tạm thời chưa muốn chuyển sang làm toàn thời gian ở bộ phận Sale. Tuy nhiên, ở vị trí nhân viên Marketing, em sẽ cố gắng phối hợp và hỗ trợ đồng nghiệp để cùng đạt được KPI.”

Câu trả lời này không chỉ thể hiện rõ định hướng công việc của mình mà còn cho thấy sự chủ động và thái độ sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ trong công việc chung mà không đánh đổi mục tiêu cá nhân.

Nếu công ty muốn bạn ở lại tăng ca, thì bạn thấy sao?

Khi công ty yêu cầu ở lại tăng ca, mỗi người sẽ có một quan điểm riêng. Nếu sẵn sàng cống hiến, có thể đồng ý với thái độ thoải mái và tích cực. Tuy nhiên, nếu mọi người như mình – một người không mấy ưa thích việc tăng ca – thì mọi người có thể trả lời như sau:

“Dạ thưa chị, em hiểu rằng công ty cũng không mong muốn nhân viên phải tăng ca, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất và sức khỏe của mọi người, đồng thời công ty cũng phải chi trả thêm cho chi phí ăn tối và lương tăng ca. Vì vậy, nếu có thể, em sẽ cố gắng hoàn thành công việc trong giờ làm việc chính. Tuy nhiên, nếu công ty có công việc gấp cần xử lý, em sẵn sàng ở lại tăng ca để hỗ trợ cùng mọi người.”

Câu trả lời này thể hiện rõ ràng sự tôn trọng với yêu cầu công ty, đồng thời cũng cho thấy chúng ta biết cách quản lý công việc hiệu quả trong khung giờ làm việc, nhưng vẫn sẵn sàng hỗ trợ khi công ty cần.

Với trình độ hiện tại của bạn, bạn có thể tìm việc ở một công ty tốt hơn?

“Dạ chị, là một người trẻ luôn ham học hỏi, em rất coi trọng môi trường làm việc và những cơ hội phát triển. Nếu một công ty chỉ chú trọng vào mức lương cao mà thiếu sự đầu tư vào nhân sự, không coi trọng việc bồi dưỡng tài năng, hay chỉ dựa vào mối quan hệ để duy trì công việc, em nghĩ đó không phải là nơi em muốn gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, em đã tìm hiểu kỹ về công ty mình và khi nhận được lời mời phỏng vấn, em đã không bỏ qua cơ hội này. Em thực sự mong muốn được cống hiến và phát triển cùng công ty.”

Câu trả lời này không chỉ thể hiện sự trưởng thành trong cách suy nghĩ mà còn thể hiện rõ cam kết và lòng mong muốn gắn bó lâu dài với công ty.

Nguyên nhân bạn nghỉ việc ở công ty cũ là gì?

Chúng ta phải hết sức thận trọng khi trả lời về nguyên nhân từ bỏ công việc cũ, vì câu trả lời này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ấn tượng của nhà tuyển dụng. Điều quan trọng là cần giữ sự chuyên nghiệp và tôn trọng trong mọi tình huống. Tuyệt đối không đưa ra bất kỳ bình luận tiêu cực nào về lãnh đạo cũ hay đồng nghiệp, vì điều này có thể làm chúng ta bị đánh giá là người thiếu sự tôn trọng và không biết cách giải quyết vấn đề.

Ngoài ra, tránh nhắc đến áp lực công việc quá lớn, thu nhập quá thấp, chế độ đãi ngộ không công bằng hay các mối quan hệ phức tạp. Những lý do này không chỉ làm mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng mà còn cho thấy chúng ta thiếu khả năng thích nghi và giải quyết vấn đề trong môi trường làm việc.

Mỗi người đều có những lý do riêng khi quyết định thay đổi công việc, nhưng cách chúng ta truyền tải lý do đó sẽ quyết định phần lớn ấn tượng của nhà tuyển dụng. Dưới đây là một số cách trả lời mọi người có thể tham khảo:

“Em quyết định tìm kiếm cơ hội mới vì em muốn phát triển thêm kỹ năng và thử sức trong một môi trường mới, nơi có thể tạo ra nhiều cơ hội học hỏi và phát triển nghề nghiệp.”

“Em rất trân trọng những gì đã học được từ công ty cũ, nhưng em cảm thấy công việc mới sẽ phù hợp hơn với mục tiêu nghề nghiệp và phát triển dài hạn của mình.”

Nếu mọi người có cách trả lời nào khác hay hơn, đừng ngần ngại chia sẻ với mình nhé. Cảm ơn mọi người rất nhiều!

Cách trả lời những câu hỏi nhạy cảm cho nữ giới khi xin việc

Phần này mình xin phép ghi lại như nội dung trong cuốn: “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ” của tác giả Trác Nhã nha. 

Lo ngại mới kết hôn sẽ có con ảnh hưởng tới công việc

“Tôi thường cho rằng ông nói có lý, nếu là tôi, tôi cũng sẽ suy nghĩ như vậy. Phía công ty ai cũng muốn nhân viên không lơ là công việc vì gia đình. Nhưng xin ông hãy yên tâm. Hiện tại tôi chưa có dự định sinh con, cho dù tôi có quyết định là sinh con ngay, thì chúng ta hãy nghĩ ở một góc độ khác, có thể cách nghĩ của tôi không nhất thiết đúng, nhưng tôi vẫn muốn nói ra để ông xem xét. 

Đối với công ty điều quan trọng nhất vẫn là yêu cầu với nhân viên có trách nhiệm. Tuy nhiên trong cuộc sống nếu chưa từng trải qua rèn luyện thì một con người sẽ có thu nhập cao hay không? Tôi nghĩ một bà mẹ và một cô gái chưa kết hôn sẽ suy nghĩ khác nhau về trách nhiệm công việc và cuộc sống. Hơn nữa, tôi còn phải đảm bảo thu nhập để trang trải, tôi tuyệt đối không để việc gia đình ảnh hưởng đến công việc, vấn đề này xin ông cứ yên tâm.”

Bạn nghĩ như thế nào về việc kết hôn muộn và sinh con muộn?

 “Ai cũng hy vọng toàn vẹn cả đôi đường, nhưng khi không thể trọn vẹn cả hai, việc đầu tiên tôi làm sẽ là không ảnh hưởng đến công việc và lợi ích của công ty, giải quyết vấn đề một cách lý trí. Chồng của tôi cũng là một người hiểu biết, anh ấy luôn hi vọng và ủng hộ tôi. Xin anh hãy yên tâm.”

 Bạn coi trọng gia đình hay sự nghiệp hơn?

“Cả hai điều quan trọng, mục tiêu của người phụ nữ hiện đại là sống cho đáng sống và gia đình luôn ủng hộ.”

Công ty cử đi công tác, bạn có thể đi được không?

“Em tin công ty đã lựa chọn em đi công tác, vì năng lực của em sẽ giải quyết được vấn đề này, công ty còn trả thêm tiền trợ cấp công tác, người nhà lại luôn ủng hộ em, vậy nên em không có lý do gì để từ chối cả, đi nhiều, biết nhiều, học hỏi nhiều thứ.”

Những điều không nên nói khi phỏng vấn xin việc

Khi tham gia phỏng vấn xin việc, có những điều mà chúng ta tuyệt đối không nên nói nếu không muốn ảnh hưởng đến kết quả phỏng vấn. Dưới đây là một số điểm cần lưu ý:

Tài liệu bí mật về công ty cũ: Chúng ta có thể chia sẻ những trải nghiệm và học hỏi từ công ty cũ, nhưng tuyệt đối không tiết lộ bất kỳ thông tin bí mật nào. Nếu mình nói ra bí mật công ty cũ, nhà tuyển dụng sẽ nghĩ rằng mình cũng có thể làm như vậy với công ty hiện tại. Điều này không chỉ làm giảm lòng tin mà còn khiến bản thân bị đánh giá là người thiếu trung thực và có thể phản bội vì mục đích cá nhân.

Thành kiến về giới tính và chủng tộc: Hãy luôn giữ một thái độ trung lập và tôn trọng mọi người, không phân biệt về giới tính, chủng tộc hay bất kỳ yếu tố cá nhân nào. Mọi sự thành kiến chỉ khiến chúng ta bị đánh giá là người thiếu sự tôn trọng và không thích ứng được với môi trường làm việc đa dạng.

Không nên khoe khoang về con cái: Mặc dù chúng ta có thể rất tự hào về gia đình mình, nhưng trong một cuộc phỏng vấn xin việc, việc khoe khoang về con cái có thể làm người phỏng vấn cảm thấy không thoải mái. Thay vào đó, hãy tập trung vào kinh nghiệm, kỹ năng và giá trị mà mình có thể đóng góp cho công ty.

Không nên đề nghị giúp đỡ người phỏng vấn một cách quá mức: Khi đề nghị mua giúp đồ đạc hay làm một việc gì đó cho người phỏng vấn, điều này có thể bị hiểu lầm là mình đang cố gắng tạo ấn tượng để “đi tay trong”. Hãy giữ sự chuyên nghiệp và tập trung vào công việc trong cuộc trò chuyện.

Không nên nói ghét các môn học tự nhiên: Dù chúng ta không thích học các môn tự nhiên như toán, lý, hóa, nhưng chúng có tác dụng rèn luyện tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề. Việc phàn nàn về chúng có thể khiến mình bị đánh giá là người thiếu sự cầu tiến hoặc không đủ kiên nhẫn với thử thách.

Không nên thường xuyên nhắc đến một nhân vật tầm cỡ: Việc liên tục đề cập đến những người nổi tiếng hay có ảnh hưởng có thể khiến người phỏng vấn cảm thấy chúng ta đang cố gắng khoe khoang hay “lấy danh” từ người khác. Hãy để thành tựu và năng lực của chính mình nói lên điều đó.

Không rót lời khen quá nhiều cho người phỏng vấn: Việc khen ngợi người phỏng vấn là cần thiết, nhưng nếu làm quá mức, người nghe sẽ cảm thấy chúng ta đang cố gắng lấy lòng họ. Thay vì vậy, hãy thể hiện sự kính trọng và cảm ơn một cách tự nhiên, không cần phải phóng đại.

Không nói quen biết ai trong công ty: Dù có mối quan hệ trong công ty, hãy tránh đưa ra thông tin này trong cuộc phỏng vấn. Nó có thể khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng chúng ta vào phỏng vấn là nhờ mối quan hệ, và không đánh giá đúng năng lực của chúng ta.

Không nói năng thiếu logic: Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến việc nói gì mà không chú ý đến sự hợp lý của những lời mình nói, sẽ dễ dàng để lại ấn tượng xấu. Nhà tuyển dụng có thể nhận thấy chúng ta không có khả năng giao tiếp rõ ràng và mạch lạc.

Không oán trách: Không ai muốn nghe một người chỉ biết than vãn về quá khứ hay công việc cũ. Hãy luôn giữ thái độ tích cực và tránh việc mang năng lượng tiêu cực vào cuộc trò chuyện. Thái độ lạc quan, sẵn sàng học hỏi sẽ giúp chúng ta tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.

Hãy nhớ rằng mỗi cuộc phỏng vấn là cơ hội để thể hiện khả năng, sự chuyên nghiệp và thái độ tích cực. Những điều mình nói trong buổi phỏng vấn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội của chính mình, vì vậy hãy luôn chuẩn bị kỹ lưỡng và cẩn thận trong cách lựa chọn từ ngữ!

Mức lương

Khéo léo yêu cầu mức lương khi phỏng vấn xin việc là một kỹ năng quan trọng mà chúng ta cần phải nắm vững. Để tránh cảm giác bị động hay không phù hợp với mức lương của công ty, trước khi bước vào phỏng vấn, nên tìm hiểu kỹ về mức lương trung bình cho vị trí mình ứng tuyển. Hãy chắc chắn chúng ta biết thời gian thử việc kéo dài bao lâu, mức lương trong thời gian thử việc là bao nhiêu, và mức lương sau khi chính thức vào làm sẽ thay đổi ra sao. Ngoài lương cơ bản, cũng nên hỏi rõ xem công ty có thưởng cho những nhân viên đạt KPI hay không, và nếu có thì khoản thưởng này sẽ tính như thế nào.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tìm hiểu về các phúc lợi và trợ cấp mà công ty cung cấp. Đặc biệt, hãy lưu ý hỏi về các chính sách và quy định của công ty liên quan đến vấn đề kỷ luật: Khi nào sẽ bị phạt (như đi trễ, không hoàn thành KPI, hay mắc phải lỗi trong công việc)? Những điều này sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin, và cũng thể hiện bản thân là một ứng viên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyên nghiệp.

Ngoài mức lương và chế độ phúc lợi, cũng nên hỏi rõ về các yếu tố khác như thời gian làm việc, trang phục công ty yêu cầu, và văn hóa làm việc trong công ty. Những câu hỏi này sẽ giúp hiểu rõ hơn về môi trường làm việc và quyết định xem công ty có phù hợp với giá trị và mục tiêu cá nhân của mình hay không.

Trên đây là những kinh nghiệm quý báu mà mình đã tích lũy được qua các lần phỏng vấn trước đây, đồng thời cũng là những gì mình học được từ cuốn sách “Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ”. Đây là một cuốn sách rất hay và hữu ích, nếu mọi người muốn trang bị thêm những kiến thức bổ ích trong việc giao tiếp và ứng xử trong các cuộc phỏng vấn, thì hãy đọc thử nhé.

Chân thành cảm ơn mọi người đã dành thời gian đọc bài viết này. Chúc tất cả chúng ta sẽ luôn tự tin, chuẩn bị kỹ lưỡng và thành công trong các cuộc phỏng vấn sắp tới. Hẹn gặp lại mọi người ở bài viết sau nha!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *