Lại gặp nhau rồi nè, mình Thanh Huyền đây, trong bài viết này mình sẽ chia sẻ cho mọi người về một số cách bắt chuyện với người lạ cũng như cách giải quyết mâu thuẫn, lắng nghe. Đây là phần tiếp theo của bài viết TỰ TI THÀNH TỰ TIN, mọi người có thể đọc bài viết đó tại đây nha.
Bắt đầu thôi!
Lời giới thiệu bản thân
Như mọi người cũng biết ấn tượng đầu tiên thật sự rất quan trọng, nếu giới thiệu sơ sài lạnh nhạt, thì đối phương sẽ cho rằng mình khó gần, không thân thiện. Nếu quá nhiệt tình, thì đối phương lại phán xét thái độ của mình là giả tạo hoặc không nghiêm túc. Chính vì vậy, khi gặp gỡ lần đầu, cần phải giữ một thái độ trung lập, lịch sự nhưng cũng phải thể hiện sự quan tâm chân thành.
Mình không biết mọi người sẽ giới thiệu bản thân như thế nào khi đến công ty mới, còn mình thì mình thường sẽ nói như thế này: “Xin chào mọi người, em là Huyền, mọi người có thể gọi em là Somi, em năm nay 24 tuổi, em là nhân viên mới của phòng ban Marketing, em rất vui được làm quen với mọi người, mong mọi người giúp đỡ.” Mục đích của mình như giới thiệu như vậy, là để họ biết tên mình, biết cách xưng hô phù hợp với độ tuổi, biết mình làm phòng ban nào. Đương nhiên để hiệu quả thì tâm lý của mình phải thoải mái, cơ mặt thư giãn thì độ thân thiện sẽ được nâng cao.
Một số cách mà mọi người có thể áp dụng khi giao tiếp với người lạ
Tâm lý thoải mái khi gặp người lạ: Thật khó để diễn tả cụ thể, nhưng theo mình để cuộc nói chuyện hiệu quả thì đầu tiên trong thâm tâm mình phải thật sự muốn bắt chuyện với đối phương trước đã. Không phải kiểu gặp ai cũng nói chuyện đâu nha. Chúng ta phải có “giá” chứ. Khi tiếp cận một người lạ với thái độ thoải mái, không có sự lo lắng hay căng thẳng, mình sẽ dễ dàng giao tiếp tự nhiên hơn.
Ví dụ, khi mình muốn nói chuyện với một người lạ tại bữa tiệc tổng kết cuối năm của công ty, thay vì lo lắng về việc phải nói những gì cho thật ấn tượng. Mình sẽ tập trung vào việc tận hưởng cuộc trò chuyện và làm cho đối phương cảm thấy thoải mái, thay vì chỉ cố gắng thể hiện mình quá mức.
Bắt quàng làm họ
Đây là một cách tiếp cận khá hiệu quả khi chúng ta chưa biết rõ về người đối diện. Hãy bắt đầu bằng những câu chuyện nhỏ. Giống như câu chuyện ở trên, mình có thể mượn điểm chung đều làm ở công ty để làm quen với họ. Rồi sẽ chủ động giới thiệu tên, phòng ban, thời gian làm việc ở đây… Những câu hỏi này có thể không sâu sắc nhưng giúp phá vỡ sự ngại ngùng ban đầu và mở ra cơ hội để khám phá những chủ đề thú vị hơn.
Sử dụng ngôn ngữ tình cảm hài hước
“Humor” chính là chìa khóa để tạo mối quan hệ thân thiện ngay từ lần gặp đầu tiên. Khi chúng ta sử dụng những câu nói hài hước, không chỉ giúp cuộc trò chuyện trở nên nhẹ nhàng mà còn tạo ấn tượng về sự tự tin, gần gũi. Tuy nhiên, cần phải lưu ý đối phương để tránh những trò đùa không phù hợp.
Ví dụ, khi gặp một đồng nghiệp mới, chúng ta có thể đùa một cách nhẹ nhàng về công việc: “Công ty này có vẻ là nơi tốt để học hỏi, mà học hoài không vô!”. Câu nói đùa đơn giản như vậy có thể làm giảm sự căng thẳng trong không gian làm việc và giúp tạo mối quan hệ gần gũi hơn.
Tạo bầu không khí vui vẻ cho cuộc giao tiếp
Cuộc giao tiếp sẽ không thể thành công nếu không có một không khí thoải mái và vui vẻ. Khi chúng ta tạo ra một không gian thân thiện, đối phương sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi mở lòng và chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Một trong những cách đơn giản nhất để làm điều này là luôn mỉm cười và duy trì thái độ tích cực. Đôi khi, chỉ cần một nụ cười chân thành hay một câu nói động viên nhẹ nhàng cũng có thể làm thay đổi toàn bộ không khí của cuộc trò chuyện.
Hãy tưởng tượng mình gặp một người bạn cũ, nếu chào nhau bằng một nụ cười tươi thì không khí chắc chắn sẽ thoải mái hơn rất nhiều.
Phát hiện chủ đề chung
Một trong những yếu tố quan trọng giúp cuộc giao tiếp kéo dài và thú vị là việc tìm ra một chủ đề chung mà cả hai bên đều quan tâm. Điều này có thể là bất cứ điều gì, từ sở thích cá nhân cho đến các chủ đề trong xã hội.
Ví dụ, nếu mình gặp một người tại quán cà phê, mình có thể bắt đầu với câu hỏi về thức uống yêu thích của họ, và từ đó mở rộng sang những cuộc trò chuyện về các loại cà phê khác nhau, các quán cà phê độc đáo ở thành phố, hay thậm chí là các chuyến du lịch. Việc tìm ra chủ đề chung sẽ giúp cuộc trò chuyện trở nên mượt mà và không bị gián đoạn.
Nhưng mà phải chú ý, nếu không đối phương sẽ cảm thấy rất phiền và khó chịu.
Nói chuyện logic để cuộc giao tiếp có đầu có cuối
Một cuộc trò chuyện hay không chỉ cần sự tự nhiên mà còn phải có cấu trúc. Chúng ta có thể khởi đầu bằng một câu hỏi mở, tiếp theo là phát triển câu chuyện bằng những chi tiết thú vị, và kết thúc một cách nhẹ nhàng để người nghe cảm thấy hài lòng.
Ví dụ, đang nói về một bộ phim mới xem, có thể bắt đầu bằng một câu hỏi như “Bạn có xem bộ phim này chưa?”, rồi tiếp theo là chia sẻ cảm nhận của bạn về nội dung phim, cuối cùng kết thúc bằng một câu hỏi mở để kéo dài cuộc trò chuyện như “Vậy bạn có bộ phim nào trong danh sách yêu thích không?”. Việc duy trì một dòng chảy logic sẽ giúp tránh tình trạng trò chuyện lạc đề và làm người đối diện cảm thấy cuộc trò chuyện không bị cắt ngang.
Thái độ chân thành khi nói chuyện
Cuối cùng, sự chân thành luôn là yếu tố quan trọng nhất khi giao tiếp với người lạ. Nếu chúng ta thực sự quan tâm đến những gì đối phương nói, họ sẽ cảm nhận được điều đó và đáp lại một cách tích cực. Sự chân thành không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn qua cử chỉ, ánh mắt và ngữ điệu. Đừng bao giờ giả vờ quan tâm hoặc quá tập trung vào việc thể hiện bản thân. Khi thành thật và thể hiện sự tôn trọng đối với đối phương, cuộc trò chuyện sẽ trở nên tự nhiên và dễ dàng hơn bao giờ hết.
Mình từng gặp một người lạ tại một buổi gặp gỡ doanh nghiệp và dù là lần đầu tiên gặp, nhưng nhờ thái độ chân thành trong từng câu hỏi và cách nghe chia sẻ của họ, chúng mình đã nhanh chóng trở thành những người bạn tốt.
Giải quyết mâu thuẫn
Cho dù mình có thân thiện, nhưng không phải ai nói gì mình cũng đều thoải mái. Sẽ có những chuyện khiến chúng ta khó chịu. Nhưng đừng thể hiện thái độ quá khích, mọi người sẽ hiểu lầm chúng ta đang cố tình kiếm chuyện, ích kỷ và nhỏ nhen. Mình nghĩ rằng trong trường hợp như vậy, đầu tiên chúng ta nên góp ý, lựa lời, cố gắng giữ thể diện cho đối phương.
Như mình, có một lần đi xem anh người yêu đá bóng, đá xong mọi người cùng nhau ngồi nghỉ ngơi uống nước, anh người yêu sợ mình khát nên đưa nước ngọt cho mình, lúc đó mình thật sự rất khó chịu, vì mình không uống nước ngọt, và mình cũng đã nói với anh nhiều lần. Có thể vì lúc đó đông người, anh mải nói chuyện với mọi người nên đã tạm quên đi điều đó. Nếu lúc đó mình cáu mình giận, mình quát mắng anh ấy vì và cho rằng anh ấy chắc chắn không yêu mình, thì sẽ xảy ra chuyện gì nhỉ? Chắc chắn là cơ mặt mình sẽ căng lên, nhăn lại, trông rất xấu xí. Anh cũng sẽ cảm thấy có lỗi vì đã quên, cũng cảm thấy ngại ngùng vì trước mặt có nhiều người và muôn loại cảm xúc khác. Chính vì vậy, mình đã ghé tai nói nhỏ anh ấy: “Anh ơi, em không uống nước ngọt, anh quên rồi à, trong đầu chỉ nhớ hình bóng em chứ anh chả nhớ gì cả.” Một câu vừa trách móc, vừa giận dỗi, nhưng lại không khiến anh ấy cảm thấy xấu hổ.
Lắng nghe
Mình nghĩ rằng nên để đối phương có cơ hội nói ra, vì những thứ mình nghĩ là đúng, chưa chắc đã đúng, mỗi người mỗi góc nhìn, biết đâu với họ đấy mới là điều tốt nhất. Những thứ chúng ta biết chỉ là hạt cát trên sa mạc mà thôi. Tôn trọng ý kiến của nhau là nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp. Việc này giúp mình nhận được sự bình đẳng trong cuộc nói chuyện.
Khi mình hỏi bố mẹ “Tại sao khi bán đất họ lại để tiêu đề, cần bán gấp, thu hồi vốn nhỉ, là để người khác sợ bị mua mất nên sẽ ra quyết định mua nhanh hả ta?” Mẹ mình mới nói, đó cũng là một phần, nhưng chủ yếu để cho người ta nhìn thấy giá cả đó là phải chăng, không trả giá thêm, giúp quá trình mua bán diễn ra nhanh chóng hơn. Hay có dịp khác, mình hỏi mẹ “Tại sao nhiều phụ nữ không hạnh phúc mà vẫn chấp nhận sống như vậy, nếu là con thì còn lâu, không đối tốt với con là con cho out luôn.” Mẹ mình nói rằng: “Mỗi người mỗi khác, con chưa làm mẹ, con không hiểu đâu, có những thứ còn quan trọng hơn cả chính bản thân họ.”
Đấy, mọi người thấy không, có những chuyện đơn giản nhưng mỗi người lại có góc nhìn khác nhau, việc lắng nghe, ghi nhận giúp mình mở mang thêm tư duy.
Nếu xảy ra tranh chấp, và nó “không đáng” thì chúng ta cũng không nên lãng phí thời gian. Sẽ thật vô nghĩa khi chúng ta muốn giúp họ tốt hơn, muốn tìm hướng giải quyết, còn họ lại cho rằng chúng ta là kẻ lo chuyện bao đồng phải không?
Có một lần bố mẹ mình nói chuyện của nhà kia, hai người nói một lúc lại bất đồng ý kiến, mình mới nói bố mẹ: “Vì chuyện của nhà khác mà bố mẹ cãi nhau, có đáng không ạ, chuyện của họ thì liên quan gì đến nhà mình chứ.” Tự nhiên không khí dịu hẳn. Đúng rồi chính nó, không phải chuyện liên quan đến mình, mình không nên vì nó mà khó chịu, cãi nhau với người trong gia đình.
Trên đây là một số mẹo mình đã áp dụng để cải thiện hiệu quả giao tiếp. Nếu có mẹo nào hay thì hãy chia sẻ cho mình biết với nha. Hẹn gặp lại mọi người ở những bài viết sau nhé.
Bye!